Long Thành và Nhơn Trạch là 2 huyện có diện tích nuôi tôm khá lớn. Thế nhưng gần đây, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp, quảng canh ở 2 địa phương này đành bỏ trắng ao, tìm việc khác để sinh sống vì càng nuôi càng lỗ.
Long Thành và Nhơn Trạch là 2 huyện có diện tích nuôi tôm khá lớn. Thế nhưng gần đây, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp, quảng canh ở 2 địa phương này đành bỏ trắng ao, tìm việc khác để sinh sống vì càng nuôi càng lỗ.
* Tôm chết hàng loạt
Khoảng 2 năm về trước, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch) và xã Long Phước (huyện Long Thành) phất lên nhanh chóng nhờ trúng vài vụ tôm. Để rút ngắn thời vụ, tăng năng suất và hiệu quả trên cùng một diện tích, không ít hộ đã "liều" thế chấp nhà, đất cho ngân hàng để vay vốn hàng tỷ đồng đầu tư cải tạo ao nuôi, mua thêm máy móc chuyển sang nuôi công nghiệp. Nuôi tôm công nghiệp mỗi năm được 2 vụ, tuy đầu tư cao, song trừ chi phí nông dân có thể còn lời 50-60 triệu đồng/hécta/vụ. Thời hoàng kim của tôm nuôi công nghiệp chỉ diễn ra trong khoảng 4 năm (2005 - 2009), sau đó tôm có hiện tượng chết rải rác, có ao chết hàng loạt. Một số hộ có vốn cố gắng cầm cự bằng cách tháo sạch nước trong ao, xử lý lại ao nuôi và nguồn nước. Thế nhưng, tôm thả xuống chỉ khoảng 1 - 1,5 tháng lại chết hàng loạt khiến người nuôi trắng tay. Sau 2-3 vụ tôm mất trắng, đa số các hộ không còn khả năng để nuôi tiếp, do đó ao hồ nuôi tôm bị bỏ hoang hàng loạt.
Dẫn chúng tôi ra thăm hơn 2 hécta ao được đầu tư khá bài bản đang bỏ hoang, ông Nguyễn Huy Nhật ở ấp 2, xã Long Thọ - Nhơn Trạch, kể: "Vùng này ngày xưa là đầm hoang cỏ mọc ngút đầu, tôi phải bỏ vào đây trên 2 tỷ đồng mới có được mấy ao nuôi như vậy. Mấy năm trước nuôi tôm thấy mê, cứ mỗi vụ trừ chi phí tôi còn lời hơn 100 triệu đồng. Hơn 1 năm nay, tôi thả tôm xuống được khoảng 1 tháng lại chết nổi trắng ao, dù ao nuôi và nguồn nước đã xử lý khá tốt. Mất liền 2 vụ tôm, tôi hết cả vốn đành phải bỏ hoang ao". Ông Nguyễn Văn Đức ở ấp 3, xã Long Thọ, than: "Khoảng 2 năm về trước, với gần 5 hécta ao nuôi tôm gia đình tôi sống tương đối sung túc. Nhưng 2-3 vụ gần đây, tôm nuôi bị chết hàng loạt khiến gia đình tôi đổ nợ. Hiện không còn vốn, tôi chuyển một số ao sang nuôi tôm quảng canh và nuôi cua nhưng cũng không khá hơn, đành phơi ao".
Tương tự, ông Hồ Văn Giàu ở ấp Bà Ký, xã Long Phước - Long Thành, cho hay: "Từ giữa năm 2010 đến nay, tôi phải bỏ nghề nuôi tôm chuyển qua làm thuê đủ nghề để kiếm tiền sinh sống. Mỗi lần nhìn ao rộng 7 sào đành bỏ hoang, tôi thấy tiếc đứt ruột. Giá như tìm được mô hình nuôi thủy sản phù hợp, không phải bỏ hoang ao thì gia đình tôi đỡ chật vật hơn".
* Đi tìm lời giải
Hiện nay, diện tích ngưng nuôi tôm phơi ao ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch khoảng trên 300 hécta, trong đó đa số nuôi công nghiệp. Do mất trắng 2-3 vụ tôm, nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, chưa biết khi nào mới trả hết. Nguyên nhân khiến tôm thả xuống chỉ một thời gian ngắn bị chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm, con giống không đảm bảo chất lượng. Nhiều hộ sau khi nuôi tôm thua lỗ nặng đã chuyển qua nuôi cua, cá, song đều thất bại.
Ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, nhận định các hộ nuôi tôm công nghiệp chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Loại tôm này mấy năm nay nhiều tỉnh phát triển ồ ạt diện tích nuôi, nhu cầu về giống tăng cao, nhiều cơ sở sản xuất giống ồ ạt khiến nguồn giống không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn nước ở những vùng nuôi tôm lớn của huyện Long Thành, Nhơn Trạch đa số đã bị ô nhiễm. Thời tiết 2 năm lại đây, mưa nắng thất thường, độ mặn tăng giảm thường xuyên dẫn đến tôm nuôi rất khó khăn. Hiện nay, nông dân các vùng này muốn nuôi được tôm, cá thì phải xử lý nguồn nước nuôi đạt yêu cầu và chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng. K.M |
Ông Trần Tiến Nhạn, cán bộ nông nghiệp xã Long Thọ, cho biết: "Hiện xã có trên 50 hécta ao nuôi tôm công nghiệp phải bỏ hoang. Thời gian qua, người dân chuyển qua nuôi cua, cá, nhưng nguồn nước ở khu vực này bị ô nhiễm nặng nên ngay cả các loại cá dễ sống như rô phi cũng không chịu nổi. Vì chưa tìm ra mô hình phù hợp để nuôi tiếp nên các hộ nuôi tôm ở đây đành phơi ao". Ông Quảng Đình Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Nông dân Long Phước, khẳng định: "Toàn xã có hơn 200 hécta ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Một số hộ có diện tích nuôi tôm lớn, thiệt hại 2-3 vụ liền mất cả vốn còn thêm khoản nợ ngân hàng lên đến vài trăm triệu đồng không có khả năng trả, nguy cơ mất đất, mất nhà khó tránh khỏi".
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã mở các lớp tập huấn cho nông dân các xã vùng nuôi tôm những biện pháp về nuôi trồng, phòng trị bệnh cho con tôm, nhưng không đạt hiệu quả.
Hương Giang