Người trồng tiêu ngán ngẩm nhất là công thu hoạch. Hàng năm, số lượng tiêu bị thất thoát do hái không kịp của các vườn cũng khá lớn. Anh Võ Văn Thành ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đã có sáng kiến thu hoạch tiêu rất hiệu quả đó là dùng nước để... hái tiêu.
Người trồng tiêu ngán ngẩm nhất là công thu hoạch. Hàng năm, số lượng tiêu bị thất thoát do hái không kịp của các vườn cũng khá lớn. Anh Võ Văn Thành ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất đã có sáng kiến thu hoạch tiêu rất hiệu quả đó là dùng nước để... hái tiêu.
* Nước thay... công lao động
Đưa chúng tôi đi thăm vườn tiêu rộng hơn 2 hécta trồng xen trong cà phê và sầu riêng, anh Thành giới thiệu: "Trung bình, mỗi năm tôi thu được 5 tấn tiêu tốn khoảng 400 công lao động. Thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng. Số lượng tiêu hao hụt hàng năm phải trên 100kg do tiêu chín hái không kịp bị rụng xuống đất không nhặt lên được. Từ vụ tiêu năm ngoái, tôi đã sử dụng biện pháp hái tiêu bằng lưới và nước nên gom được hết số tiêu rụng mà tốn rất ít công".
Anh Thành cũng cho hay, hiện nay vào vụ thu hoạch muốn kiếm được lao động ở nông thôn không dễ chút nào. Trong khi hái tiêu lại là công việc có độ nguy hiểm cao nên càng khó thuê người làm. Bởi, mỗi bụi tiêu có độ cao 5 - 6m, người hái bắc thang leo lên đỉnh ngọn để thu hoạch không đơn giản. Cũng đã không ít vụ tai nạn đáng thương tâm do thang đổ khi đang hái tiêu.
Anh Thành kể về việc ra đời của phương pháp thu hoạch tiêu bằng lưới và nước do mình nghĩ ra: Cách đây 2 năm, trong một lần đi xịt thuốc cho sầu riêng, khi còn dư một số thuốc anh xịt luôn cho mấy bụi tiêu. Do dùng loại máy phun có công suất lớn nên đã làm rụng lá già và kèm theo cả những chùm tiêu. Anh liền nghĩ, khi thu hoạch có thể sử dụng vòi nước mạnh (loại vòi rửa xe máy) xịt lên cây cho rụng trái, bên dưới dùng lưới hứng. Khi tiêu rơi xuống chỉ việc gom lưới lại đổ vô bao khá tiện. Và quả nhiên phương pháp đó thành công. Vào vụ thu hoạch tiêu, anh Thành đã đầu tư gần 40 triệu đồng tiền lưới trải khắp vườn. Việc thu hoạch tiêu bằng phương pháp mới này đã giúp anh giảm được tới 60% công lao động.
* Hiệu quả kinh tế cao
Theo anh Thành tính toán, việc bỏ ra gần 40 triệu đồng tiền lưới không phải là quá tốn kém, bởi lưới có thể sử dụng từ 4 đến 5 năm. Trong khi đó, thu họach bằng "công nghệ" xịt nước lại đảm bảo chất lượng tiêu cao hơn và khi chế biến đúng cách sẽ thu được loại tiêu tốt (do tiêu để chín mới thu hoạch). Giá tiêu tốt so với tiêu trung bình chênh nhau 10 ngàn đồng/kg. Như vậy, với sản lượng tiêu của gia đình anh Thành thu hàng năm thì khoản tiền chênh lệch giữa giá tiêu tốt và trung bình cũng đã hơn tiền mua lưới. Không chỉ vậy, còn tránh được thất thoát trên 100kg tiêu do rụng rơi xuống đất. Anh Thành còn cho biết thêm, việc thu hoạch tiêu bằng xịt nước còn có lợi cho những vườn tiêu phát triển sung mãn hơn do làm rụng bớt lá, bụi làm cây tiêu được thông thoáng, như vậy sẽ giúp vụ tiêu sau trổ bông nhiều hơn. "Trước đây tôi thường thấy nông dân trồng tiêu ở Bình Phước dùng chổi chà đi đập cho lá tiêu rụng bớt để cho tiêu trổ bông mạnh. Bây giờ thu hoạch tiêu bằng xịt nước đã làm rụng lá và đạt được hiệu quả đó" - anh Thành nói.
Thu hoạch tiêu của các nhà vườn phổ biến hiện nay là dùng thang, rất nguy hiểm và còn bị hao hụt khá nhiều do tiêu rơi rụng xuống đất. (Ảnh minh họa) |
Anh Thành cũng cho hay, vườn tiêu khi sử dụng phương pháp thu hoạch này phải được chăm sóc tốt để tránh bị suy. Bởi tiêu neo đến chín mới thu hoạch nếu không chăm sóc kỹ cây sẽ bị kiệt sức. Để cho vườn tiêu có sức bền, chủ vườn nên sử dụng phân hữu cơ thay cho phân vô cơ. Ở vườn tiêu của anh Thành đã dùng hầu hết là phân trùn quế để bón nên cây khá sung và rất ít bệnh.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, các chủ vườn không nên thu hoạch tiêu khi còn quá xanh, như vậy tiêu vừa nhẹ và chất lượng không đạt nên khi bán thường ở mức giá thấp. Tốt nhất để tiêu chín, thu hoạch đến đâu về phơi ngay tới đó. Hạt tiêu được phơi càng mỏng càng tốt, tiêu vừa mau khô và không bị rỗng. Tiêu đạt chất lượng cao là loại ít có độ rỗng, giữa vỏ và nhân của hạt khi khô bó sát nhau. K.G |
Vân