[Megastory] Tăng 24 bậc chỉ trong 1 năm, Đồng Nai quyết tâm chủ động, đổi mới để xây dựng nền hành chính thực sự hiệu lực, hiệu quả
.

[Megastory] Tăng 24 bậc chỉ trong 1 năm, Đồng Nai quyết tâm chủ động, đổi mới để xây dựng nền hành chính thực sự hiệu lực, hiệu quả

Nội dung: Hà Lê - Phạm Tùng; Thiết kế: Hải Quân
16:36, 15/04/2025
 

Năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Đồng Nai. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC (PAR Index) của Bộ Nội vụ vừa công bố vào sáng 6-4 tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025, Đồng Nai đã vươn lên vị trí thứ 8 trên cả nước với 90,69 điểm, tăng 24 bậc so với năm 2023.

Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc xây dựng một nền hành chính hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 

Theo UBND tỉnh, để đạt được kết quả ấn tượng này, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả, thể hiện sự sát sao trong chỉ đạo và điều hành. Ngay sau khi có kết quả xếp hạng PAR Index năm 2023 (xếp vị trí thứ 32 cả nước), nhận thấy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời báo cáo và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, điều hành công tác CCHC, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo kết quả xếp hạng PAR Index và SIPAS năm 2024 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025. Ảnh: Bộ Nội vụ

UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 15-10-2024 để triển khai thực hiện Chỉ thị này. Điểm nhấn của kế hoạch là việc người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải ký cam kết thực hiện đối với từng nội dung, nhiệm vụ được giao, với trách nhiệm cụ thể và tạo động lực thực hiện. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng kế hoạch và triển khai đến từng cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh (nay hợp nhất với Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 - Đề án 06 thành Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh) được kiện toàn kịp thời, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức làm Trưởng ban, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh. Ban Chỉ đạo đã tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hàng quý để đánh giá tình hình, xác định rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho từng giai đoạn.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa thành phố Biên Hòa. Ảnh: Khánh Lộc
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa thành phố Biên Hòa. Ảnh: Khánh Lộc

Năm 2024, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được đặc biệt chú trọng. Cụ thể, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 21 nghị quyết và 82 quyết định quy phạm pháp luật. Các văn bản được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Sau khi ban hành, các văn bản được đăng Công báo và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân tiếp cận, tìm hiểu.

Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 30-1-2024 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 và chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung theo kế hoạch. Các lĩnh vực trọng tâm được theo dõi bao gồm: công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, công tác tín ngưỡng, tôn giáo, an toàn thực phẩm, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử... Qua đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

 

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng được UBND tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 20-2-2023 về thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp giai đoạn 2019-2023 và thường xuyên đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ.

 

Năm 2024, Đồng Nai đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trong CCHC, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng chính quyền điện tử.

Về cải cách TTHC, tỉnh đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc chuẩn hóa, đơn giản hóa và công khai minh bạch các TTHC. Trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 104 quyết định công bố Bộ TTHC với những con số ấn tượng. Trong đó, ban hành mới 393 TTHC (cấp tỉnh 299, cấp huyện 98, cấp xã 21); sửa đổi, bổ sung 539 TTHC (cấp tỉnh 472, cấp huyện 64, cấp xã 30); bãi bỏ 324 TTHC (cấp tỉnh 302, cấp huyện 53, cấp xã 18).

 

Các TTHC sau khi được công bố đều được cập nhật 100% vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện chủ trương rà soát, đơn giản hóa TTHC, các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung rà soát tất cả các TTHC còn hiệu lực, đặc biệt là các TTHC có hồ sơ phát sinh lớn, tần suất cao, có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-UBND ngày 14-9-2024 thông qua phương án đơn giản hóa 116 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Tỉnh cũng đã rà soát, đơn giản hóa 564 TTHC nội bộ, trong đó bãi bỏ 6 TTHC nội bộ.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin CCHC, Cổng tra cứu dịch vụ công, đồng thời cho phép người dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ. Các trường hợp hồ sơ trễ hạn, yêu cầu bổ sung, ngừng xử lý hoặc trả hồ sơ đều được thực hiện theo đúng quy định và được theo dõi trên phần mềm Một cửa điện tử.

 

Năm 2024, Đồng Nai tiếp tục triển khai mô hình “không phụ thuộc địa giới hành chính” trong giải quyết TTHC đối với 11 TTHC lĩnh vực đất đai, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, cụ thể đã tiếp nhận và giải quyết gần 22 ngàn hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn đạt 100%. Trong năm qua, tỉnh cũng đã kiện toàn hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả cao.

Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp nhận hơn 1,7 ngàn phản ánh, kiến nghị, đã xử lý và công khai gần 1,7 ngàn phản ánh, kiến nghị (tỷ lệ 98,83%), cho thấy khả năng tiếp thu và giải quyết ý kiến của người dân. Tổng đài Dịch vụ công 1022 đã tiếp nhận hơn 49,4 ngàn lượt liên hệ hỗ trợ thông tin, đăng ký dịch vụ bưu chính công ích, gửi phản ánh, kiến nghị và đã xử lý hơn 49,3 ngàn lượt (trên 99,91%), trong đó đã xử lý 500 lượt phản ánh về giải quyết hồ sơ chậm trễ, trách nhiệm công chức, đơn vị, địa phương.

Về cải cách tổ chức bộ máy, trong năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo các nghị định của Chính phủ. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định tổ chức lại bộ máy của 3 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh và phê duyệt đề án của 7 đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, UBND tỉnh có 21 cơ quan chuyên môn và tương đương với 130 phòng và tương đương thuộc sở, 862 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước.

Chuyên viên của UBND xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) hướng dẫn người dân về các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Ảnh: Hải Quân

Công tác quản lý biên chế được thực hiện chặt chẽ. Năm 2024, biên chế công chức tỉnh là 2.979 chỉ tiêu, giảm 28 chỉ tiêu so với năm 2023. Biên chế viên chức là 42.488 chỉ tiêu, tăng 3.410 chỉ tiêu so với năm 2023. Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành và địa phương trên nhiều lĩnh vực.

Song song với đó, tỉnh còn chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập. 100% đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên. HĐND và UBND tỉnh đã ban hành các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công.

Mô hình ki-ốt dịch vụ công được VNPT Đồng Nai phối hợp địa phương triển khai thí điểm tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Đối với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, Đồng Nai cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được nâng cấp, hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, theo dõi, giải quyết hồ sơ và đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống và các cơ sở dữ liệu dùng chung. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nâng cấp thường xuyên.

Trong năm 2024, công tác CCHC của tỉnh có những chuyển biến tích cực, các nhiệm vụ, chỉ tiêu được thực hiện đảm bảo tiến độ. Các hệ thống nền tảng được xây dựng, phát triển và kết nối, chia sẻ dữ liệu. Các ứng dụng, dịch vụ nội bộ và phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ.

 

Để tiếp tục duy trì đà phát triển và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác CCHC, trong năm 2025, UBND tỉnh Đồng Nai xác định sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo định hướng Chương trình CCHC giai đoạn 2021-2030 của tỉnh.

Đồng chí Võ Tấn Đức, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 nhấn mạnh, để tạo bước đột phá trong CCHC và nâng cao chỉ số PAR Index vào năm 2025, tỉnh đã đề ra một loạt giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước hết, tiếp tục đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các nhiệm vụ CCHC.Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các nhiệm vụ và mục tiêu của Kế hoạch CCHC năm 2025.

 

Cùng với đó, các sở, ban, ngành và địa phương sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai CCHC theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả nhiều mô hình, giải pháp mới, như mô hình “không phụ thuộc địa giới hành chính” trong giải quyết TTHC, xác định Bưu điện là “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách TTHC, giảm phí, lệ phí đối với các thủ tục trực tuyến, giải quyết TTHC không hẹn giờ, hỗ trợ thanh toán trực tuyến, mô hình chính quyền thân thiện.

Đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát hoạt động hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại UBND xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) vào tháng 6-2024. Ảnh: Hải Quân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị các cấp, ngành, đơn vị và cá nhân tăng cường sự phối hợp với tinh thần chủ động, đổi mới và chặt chẽ. Kiên quyết loại bỏ tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, vốn là nguyên nhân gây chậm trễ trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định về việc xin lỗi người dân khi hồ sơ bị trễ hẹn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu 100% lãnh đạo các cấp, đặc biệt là tại UBND phường, xã, sữ dụng chữ ký số trong quản lý điều hành và xử lý công việc, nâng cao tính bảo mật và hiệu quả. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng và kết nối dữ liệu để tiến tới chính quyền điện tử, chính quyền số. Khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống thông tin, phần mềm và đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công tỉnh.

 

Bên cạnh đó, để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác CCHC, trong năm 2025, tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ CCHC, kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong năm 2025. Đặc biệt, tăng cường quán triệt và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết TTHC một cách hiệu quả và tận tâm, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Với những định hướng và giải pháp cụ thể, rõ ràng, Đồng Nai quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng một nền hành chính ngày càng hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

 
 

 

Từ khóa:

Cải cách hành chính

Chính phủ

Bộ Nội vụ

CCHC

năm 2024

69 điểm

Xem thêm bình luận