Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu hò đất mẹ - lời ca truyền lửa yêu nước

Hải Yến
09:31, 19/08/2023

“Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết/Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/Triệt để thực hành chết mới thôi". Những vần thơ mà nữ chiến sĩ yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai dùng máu của mình viết lên cánh cửa xà lim ở bót Catina trong những ngày bị giam cầm đã dõng dạc vang lên trên sân khấu vở cải lương Câu hò đất mẹ.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (hàng trước, thứ 3 từ trái qua) tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ. Ảnh: H.Yến

Câu hò đất mẹ (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể cải lương: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Lê Trung Thảo) do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) lưu diễn tại Đồng Nai tối 17-8 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh để lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người xem, giúp khán giả hiểu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của 2 nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong, qua đó hun đúc cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, nguyện cống hiến sức mình cho Tổ quốc, non sông.

* Câu hò nặng tình yêu nước

Vở diễn mở đầu bằng hình ảnh chị Nguyễn Thị Minh Khai trong những tháng ngày bị cầm tù và tra tấn dã man (năm 1940) đã nhớ về quê hương; nhớ về mẹ; nhớ về người chồng, người đồng chí, người chỉ huy - anh Lê Hồng Phong và nhớ về đứa con bé bỏng mà chị phải rời xa để đi làm cách mạng khi con mới vừa tròn 1 tháng tuổi…

Cùng với dòng hồi tưởng của nhân vật chính, vở diễn đã tái hiện một vài lát cắt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Nguyễn Thị Minh Khai. Đó là những tháng ngày trong ngục tù, phải chịu đủ hình thức tra tấn dã man của quân thù như: “lộn mề gà”, “máy bay lên sàn”, “máy bay xuống sân”, đóng đinh vào đầu ngón tay… Mặc những đau đớn, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn một mực khẳng định: “Việc này tao lãnh đạo, tao chủ trương, tao làm”; nêu cao tinh thần cách mạng, cương quyết không khai ra tổ chức và các đồng chí cùng hoạt động.

Vở cải lương Câu hò đất mẹ có sự tham gia biểu diễn của: NSƯT Lê Tứ (vai Lê Hồng Phong), NSƯT Lê Hồng Thắm (vai Nguyễn Thị Minh Khai), NSƯT Lam Tuyền (vai chị Hai), Hồng Quyên (vai Vịnh - Nguyễn Thị Minh Khai lúc nhỏ), Hoài Nam (vai Mật)…

Trong những cơn đau khiến bản thân chết đi sống lại, chị Nguyễn Thị Minh Khai đã nhớ về những ngày tháng hạnh phúc, vui vẻ của cuộc đời mình. Đó là những ngày ấu thơ được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, được nghe mẹ ca điệu hò xứ Nghệ: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh”.

Đó là những tháng ngày chị cùng người chồng, người đồng chí Lê Hồng Phong kề vai sát cánh hoạt động cách mạng. Là niềm vui, tự hào khi chị được nhận quyết định là đại biểu chính thức tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ở Moskva (tháng 8-1935) để được nói lên tiếng nói của của phụ nữ lao động các dân tộc Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ.

Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến khi sinh được người con gái Lê Nguyễn Hồng Minh trong sự chở che, đùm bọc của người dân ở 18 thôn vườn trầu (H.Hóc Môn, TP.HCM ngày nay). Nhưng khi con mới chỉ được 1 tháng tuổi, còn khát bầu sữa mẹ thì chị phải trao lại con, nhờ người khác nuôi dưỡng để đi hoạt động cách mạng…

* Truyền lửa yêu nước cho thế hệ trẻ

Bằng cách lồng ghép, đan xen giữa những đớn đau tột cùng khi phải chịu cảnh tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù và những phút giây hạnh phúc, vui vẻ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Nguyễn Thị Minh Khai, vở diễn đã cho thấy tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện vào nhau. Đồng thời khẳng định rõ ý chí quyết tâm, tinh thần đấu tranh quật cường của nữ chiến sĩ kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai không có mục đích gì khác ngoài mưu cầu tự do, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc.

Vở diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức, trong đó phần lớn là chiến sĩ lực lượng vụ trang và thanh niên. Qua đó, trao truyền những giá trị cao đẹp của lòng yêu nước, tinh thần dấn thân, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ.

Vở cải lương Câu hò đất mẹ đã tái hiện hình tượng kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai
Vở cải lương Câu hò đất mẹ đã tái hiện hình tượng kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai

Anh Lê Phan Hiếu Anh (P.Tân Tiến, TP.Biên Hoà) chia sẻ: “Trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2023), là một người trẻ tuổi, tôi cảm thấy rất may mắn khi được xem vở diễn Câu hò đất mẹ để hiểu thêm về cuộc đời của 2 đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Vở diễn đã khơi dậy trong lòng những người trẻ tuổi như chúng tôi lòng yêu nước nồng nàn cùng trách nhiệm đối với thời cuộc hôm nay”.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, đây là vở diễn đặc biệt xuất sắc về hình tượng người chiến sĩ cộng sản. Trong thời gian tới, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ phối hợp với các đoàn nghệ thuật trung ương, TP.HCM, Hà Nội để công diễn những tác phẩm xuất sắc phục vụ công chúng gắn với các sự kiện chính trị trọng đại, những ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh Đồng Nai.

Hải Yến

Tin xem nhiều