Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp

Đào Lê
08:33, 12/08/2023

Từ nay đến cuối năm, nhiều dự báo cho thấy sẽ còn có thêm những thách thức tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Khi tốc độ hồi phục chậm, sức khỏe doanh nghiệp (DN) suy giảm thì việc tìm các giải pháp để tăng sức đề kháng, giúp DN cũng như kinh tế vượt cơn gió ngược là bài toán rất khó khăn.

Bốc xếp hàng hóa tại Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Lê
Bốc xếp hàng hóa tại Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Lê

Từ việc điều hành kinh tế vĩ mô cho đến những giải pháp cụ thể như hạ lãi suất, cải cách thủ tục hành chính, giảm, hoãn nộp các loại thuế phí... đều tập trung vào giúp cộng đồng DN hồi phục sức sản xuất, kinh doanh.

* Tốc độ cải thiện chậm

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài bởi các khó khăn, thách thức từ trước. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội… đang là những bài toán đặt ra hiện nay.

Dù một số dấu hiệu cho thấy đã có sự khởi sắc hơn nhưng DN vẫn gặp nhiều thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Những thách thức này  không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận DN, nhất là DN nhỏ và vừa đã đến mức hạn.

Từ ngày 1-7, nhiều loại hàng hóa chính thức được giảm 2% thuế VAT đến hết năm. Theo các DN, điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó DN tăng khả năng phục hồi, người dân được hưởng lợi.

Cũng như tình hình chung của cả nước, số liệu khảo sát từ Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, 7 tháng qua kinh tế trên địa bàn tăng trưởng chậm. Sản xuất kinh doanh của DN vẫn đang tiếp tục khó khăn như các tháng đầu năm, đơn hàng sản xuất vẫn còn thiếu chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Trong bối cảnh đó, các DN đã nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì sản xuất nên sản xuất công nghiệp tăng nhẹ. Tháng 7 sản xuất công nghiệp tăng 2,14% so tháng 6 và tăng 3,61% so cùng kỳ 2022. Mặc dầu vậy, đây là mức tăng thấp nhất của 7 tháng so với nhiều năm qua. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo, nhóm ngành tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế và đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu nên ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung.

Ông Hoàng Ngọc Hiến, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Gốm Hiến Nam (TP.Biên Hòa) chia sẻ, các sản phẩm gốm sản xuất tại cơ sở phục vụ 2 tệp khách hàng chính là các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự và gốm phục vụ người dân. Thông thường hàng năm, thời điểm hiện tại lượng hàng của DN ký kết với các đối tác khá dồi dào, việc làm của người lao động luôn được đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay, dòng gốm dân dụng vốn chiếm phần lớn sản lượng đang bị sụt giảm doanh số vì người tiêu dùng hạn chế mua hơn, sản xuất tại DN đang cầm cự và để phục vụ chủ yếu cung cấp cho các cơ sở thờ tự.

Tương tự, chủ một DN chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật, hàng công nghiệp hỗ trợ cũng than thở rằng doanh số hiện nay chỉ đạt khoảng 60% so với trước. Bên cạnh đơn hàng sụt giảm, DN còn có nguy cơ đối mặt với việc “chảy máu” lao động, một số lao động lành nghề nghỉ việc sẽ tạo áp lực cho đào tạo, tuyển dụng về sau.

* Giúp DN tăng “sức đề kháng”

Để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần tháo gỡ các khó khăn nội tại của kinh tế nói chung, các DN nói riêng, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2023, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DN nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu. Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng mới, nhất là tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh…

Thực tế, thời gian qua, cùng với các nỗ lực của DN thì Nhà nước cũng đã tìm các giải pháp để tháo gỡ, nhất là trong việc quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, gỡ khó thị trường bất động sản, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường... Cùng với đó là giảm lãi suất ngân hàng; các loại phí, lệ phí được ưu đãi, một số chính sách giảm thuế, gia hạn thuế nhằm hỗ trợ các DN gặp khó khăn đã được ban hành như: chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN, gia hạn nộp tiền thuê đất, biểu thuế xuất - nhập khẩu ưu đãi.

Đối với Đồng Nai, đánh giá về tình hình 7 tháng qua, theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, những dấu hiệu khởi sắc đã có song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, dự báo một số chỉ tiêu, mục tiêu sẽ không hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Những ý kiến, kiến nghị của DN cần được xử lý ngay trong 1 tuần làm việc trên tinh thần đồng hành để DN giảm thiểu thời gian, công sức, tập trung vào việc nỗ lực giữ nhịp sản xuất.

 Đào Lê

Từ khóa:

doanh nghiệp

Tin xem nhiều