Tết Trung thu là ngày hội được trẻ em trông chờ nhất trong năm. Đây cũng là dịp để gia đình và toàn xã hội thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc trẻ.
Đại diện Thành đoàn Biên Hòa trao quà cho các em thiếu nhi tại lớp phổ cập tiểu học ở KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa |
Cách đây gần nửa tháng, các hoạt động vui Tết Trung thu dành cho các em thiếu nhi chính thức khởi động, góp phần đem Tết Trung thu đến với mọi trẻ em.
Cả xã hội cùng chung tay
Ngay từ giữa tháng 9, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp với CLB Kỹ năng sống H.Trảng Bom tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi tại lớp học tình thương trường mầm non ở xã Sông Trầu. Mới đây nhất, tại H.Định Quán, Tỉnh đoàn, các đơn vị trong Khối thi đua 10 và UBND H.Định Quán phối hợp tổ chức chương trình Ngày hội tuổi thơ - Ánh trăng cổ tích. Chương trình đã thu hút khoảng 1 ngàn em thiếu nhi trên địa bàn H.Định Quán tham gia.
Hội LHTN tỉnh đã phối hợp với Huyện đoàn Cẩm Mỹ và một số đơn vị, cá nhân mạnh thường quân tổ chức vui Tết Trung thu cho hàng trăm thiếu nhi tại xã Xuân Đông và xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ). Hội LHTN tỉnh còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình trung thu với chủ đề Hạnh phúc tròn như trăng dành cho các em thiếu nhi khuyết tật đang sinh sống, học tập tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa).
Trong thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 2023, Chủ tịch nước VÕ VĂN THƯỞNG mong muốn: "…Các cháu luôn nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, yêu gia đình, lễ phép, biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thi đua làm nghìn việc tốt, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ".
Bên cạnh các hoạt động cấp tỉnh, các huyện, thành phố và cấp cơ sở đều tổ chức chăm lo cho trẻ em dịp Tết Trung thu.
Bí thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Ngọc Thảo An cho biết, Tết Trung thu năm nay, Thành đoàn trao tặng 2,5 ngàn phần quà cho các em thiếu nhi. Ngoài trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Thành đoàn đặc biệt quan tâm đến các em thiếu nhi tại các lớp phổ cập tiểu học, trẻ em lang thang, bán vé số với hy vọng đem lại cho các em cơ hội được vui Trung thu.
Tại lớp phổ cập tiểu học ở KP.8, P.Long Bình (TP.Biên Hòa), không khí Trung thu tràn về rất sớm. Một nữ tu Dòng đa minh Thánh Tâm phụ trách lớp phổ cập tiểu học cho biết, lớp phổ cập có 158 học sinh. Đa số các em theo cha mẹ từ miền Tây Nam bộ đến ở trọ, làm việc ở các xưởng gỗ. Để Tết Trung thu thêm phần ý nghĩa, cô giáo hướng dẫn các em tự trang trí lớp học bằng những chiếc lồng đèn giấy do chính các em vẽ, tô màu, cắt. Những hình vẽ của các em đều thể hiện mong muốn có được Tết Trung thu đoàn viên, xem múa lân, rước đèn, phá cỗ dưới trăng…
Tết Trung thu vẹn tròn ý nghĩa
Với mong muốn đem lại cho trẻ em Tết Trung thu trọn vẹn ý nghĩa, các chương trình Vui Tết Trung thu đều có những hoạt động phù hợp với tuổi thơ. Ở các nơi có điều kiện về mặt không gian, thời gian, các em thiếu nhi được giao lưu với chú Cuội, chị Hằng; được xem múa lân - sư - rồng, ảo thuật; các tiết mục văn nghệ, đố vui có thưởng; tham gia rước đèn, phá cỗ, được tặng quà trung thu…
Học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đón Tết Trung thu do Ban giám hiệu nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức tối 27-9. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Là con út trong gia đình có 3 anh chị em, cha mẹ đều có công việc làm ổn định nên năm nào em Hứa Thị Kim Ngân, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) cũng được đón Tết Trung thu trọn vẹn. Kim Ngân cho biết, em thấy mình may mắn hơn nhiều bạn khác, bởi Tết Trung thu nào em cũng được cha mẹ mua cho bánh kẹo, lồng đèn để vui Trung thu cùng bạn bè. Cũng dịp Tết Trung thu, ở trường hoặc ở ấp thường tổ chức Đêm hội trăng rằm nên năm nào em cũng được xem múa lân, có năm còn được xem ảo thuật, được tham gia rước đèn, phá cỗ…
Ở nơi điều kiện khó khăn, hoạt động vui Trung thu dành cho trẻ em được tổ chức đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa.
Em Nguyễn Tường Vy (11 tuổi), học sinh lớp phổ cập tiểu học tại KP.8, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, cha mẹ em đều làm làm thuê ở xưởng gỗ. Cả gia đình 5 người sống trong căn phòng trọ chật hẹp, cuộc sống cũng không được thoải mái. Vì vậy, ngày lễ, Tết với gia đình em cũng như bao ngày khác trong năm. May mắn, em và em gái học ở lớp phổ cập tiểu học, được các cô giáo, các đơn vị, mạnh thường quân quan tâm nên mới biết thế nào là Tết Trung thu.
Còn em Nguyễn Tường Oanh, học sinh lớp 4 (khiếm thị, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) rất vui khi được nghe những bài hát về Trung thu như: Rước đèn tháng Tám, Rước đèn trung thu, Chiếc đèn ông sao, Gọi trăng là gì, Rước đèn dưới trăng thu…
Tường Oanh cho hay, mặc dù không nhìn thấy nhưng qua những bài hát về Trung thu, qua những lời mô tả của cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là qua hoạt động vui Tết Trung thu tại trung tâm cùng với bạn bè, em tưởng tượng một đêm rằm tháng 8 thật lung linh huyền ảo. Trong suy nghĩ của Tường Oanh, Tết Trung thu có trăng tròn sáng trong; có múa lân, múa rồng; có đèn ông sao, đèn lồng đủ màu sắc được thiếu nhi rước đi thành từng hàng dọc các tuyến đường…
Nghĩ tới đây, Tường Oanh cảm thấy thích thú và ước một lần được thấy ánh trăng; được xem múa lân, rồng; được hòa mình vào dòng người rước đèn… trong đêm rằm Trung thu.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin