Gần 30 năm trước, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã đến Đồng Nai đầu tư. Đến nay, Amata có 5 dự án đầu tư vào tỉnh và còn mở rộng đầu tư ra tỉnh Quảng Ninh.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành phố Amata Long Thành Somhatai Panichewa |
Trong chuyến làm việc tại Đồng Nai mới đây, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành phố Amata Long Thành Somhatai Panichewa đã chia sẻ về kế hoạch phát triển của Amata ở Đồng Nai trong thời gian tới.
Tạo dựng những khu công nghiệp sinh thái
* Tập đoàn Amata đang triển khai 5 dự án tại Đồng Nai với tổng vốn đăng ký hơn 600 triệu USD. Bà có thể cho biết rõ hơn về tiến độ các dự án trên?
- Đầu những năm 1990, Amata đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư. Vị trí địa lý, hạ tầng và chính sách ưu đãi là những yếu tố Amata quyết định chọn Đồng Nai làm điểm dừng chân. Đến thời điểm này, Amata có 5 dự án tại Đồng Nai với tổng vốn đăng ký hơn 600 triệu USD. Dự án đầu tiên là Khu công nghiệp (KCN) Amata diện tích hơn 500ha tại TP.Biên Hòa đã đi vào hoạt động. Tiếp đó là khu thương mại tại KCN Amata gần 20ha với một phần diện tích đã triển khai và đi vào hoạt động.
Dự án KCN công nghệ cao Long Thành 410ha đã khởi công tháng 7-2023 và thu hút được 3 dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại với tổng vốn hơn 100 triệu USD. Đây cũng là dự án KCN công nghệ cao đầu tiên của tỉnh có vốn đầu tư lớn nhất trong 32 KCN được cấp phép.
2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị bao gồm: Thành phố Amata Long Thành 753ha và Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 107ha, cùng nằm trong Khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành (H.Long Thành).
* Các dự án Amata triển khai tại Đồng Nai đang gặp một số vướng mắc, việc này tập đoàn đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ như thế nào?
- Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và đề xuất tỉnh tháo gỡ vướng mắc cho 2 dự án đang triển khai. Trong đó, dự án KCN Amata đã thu hút được nhiều nhà đầu tư và quỹ đất sớm đã không đáp ứng đủ nhu cầu. Chúng tôi xin mở rộng thêm 27ha và đang trong giai đoạn chờ xem xét. Chúng tôi kiến nghị tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Amata sớm triển khai dự án.
Đối với dự án Thành phố Amata Long Thành, chúng tôi đã trình hồ sơ quy hoạch phân khu 1/2.000; phần diện tích 753ha của dự án đã hoàn thành các thủ tục chỉnh lý, thẩm định hồ sơ và đo vẽ bản đồ địa chính. Chúng tôi kiến nghị H.Long Thành tiếp tục đưa diện tích đất thực hiện dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024, sớm triển khai dự án tái định cư để thuận lợi thu hồi đất; tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi diện tích đất lúa trong dự án; sớm thẩm định, xem xét phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2.000 của dự án.
* KCN Amata (TP.Biên Hòa) là một trong 5 KCN của Việt Nam xây dựng theo mô hình KCN sinh thái. Vậy KCN công nghệ cao Long Thành sẽ được định hướng xây dựng như thế nào?
Dự án Thành phố Amata Long Thành là dự án quan trọng nằm trong Khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành (H.Long Thành). Dự án có quy mô diện tích khoảng 753ha, tổng vốn đầu tư hơn 309 triệu USD. |
- Amata Biên Hòa là niềm tự hào của chúng tôi và là một trong những hình mẫu KCN của Việt Nam đang được chọn thí điểm xây dựng mô hình KCN sinh thái. Còn Amata Long Thành tương lai sẽ là KCN công nghệ cao tiêu biểu của tỉnh. Chúng tôi xác định một nền sản xuất cao và thân thiện với môi trường là yếu tố cốt lõi. Từ đó hình thành và xây dựng cộng đồng dân cư chất lượng cao, tiến tới xây dựng một thành phố thông minh.
Ở thành phố thông minh này, các yếu tố như: sản xuất, năng lượng, giáo dục, quản trị, xử lý chất thải đều phải sử dụng công nghệ thông minh. Mục tiêu của chúng tôi là đưa carbon về mức thấp nhất, đồng thời tạo ra các giá trị cao nhất cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Điều này vừa phù hợp với định hướng của tỉnh lẫn tập đoàn, vừa góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon của Chính phủ Việt Nam.
Cần hoàn thiện hạ tầng kết nối
* Nhiều chuyên gia nhận định, Đồng Nai đang có nhiều cơ hội để “cất cánh”. Là nhà đầu tư lâu năm, bà đánh giá như thế nào?
- Gần 30 năm trước, chúng tôi đã chọn Đồng Nai làm điểm dừng chân. Từ KCN Amata ở TP.Biên Hòa, chúng tôi có thêm nhiều dự án ở tỉnh và mở rộng ra tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang theo đuổi các dự án mới, mở rộng tại Đồng Nai, chứng tỏ sức hút của tỉnh với Amata cũng như các nhà đầu tư khác còn rất lớn.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lộc |
Sức hút lớn nhất phải kể đến sân bay Long Thành, cách dự án chúng tôi đang triển khai không xa. Tiếp đó là các cảng biển, hệ thống công trình giao thông đang và sắp thực hiện là yếu tố quan trọng để tỉnh đón các nhà đầu tư. Ngoài yếu tố về vị trí và hạ tầng thì môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng ngày càng hấp dẫn với nền hành chính hiện đại, quản trị theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư của tỉnh.
* Theo bà, Đồng Nai cần cải thiện điều gì để trở thành điểm đến lý tưởng hơn nữa của các nhà đầu tư?
- Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư và thiện chí của các vị lãnh đạo tỉnh đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án chúng tôi cũng gặp không ít trở ngại về giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư và một số thủ tục pháp lý.
Chúng tôi hiểu rằng, có những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách mà tỉnh không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đơn cử về đất đai, khi doanh nghiệp đang thực hiện theo quy định này thì có quy định mới và các bộ, ngành không kịp thời có nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ dẫn đến địa phương khó giải quyết ổn thỏa. Tôi cho rằng, sự đồng hành, sát cánh của chính quyền và một hành lang pháp lý rõ ràng, nhất quán từ trên xuống dưới là điều mà các nhà đầu tư cần.
Về phía tỉnh, cần đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng giao thông và tăng tính kết nối để biến các tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh. Còn Amata sẽ giúp tỉnh đón các nhà đầu tư, dòng vốn chất lượng.
* Xin cảm ơn bà!
Hoàng Lộc (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin