Bộ GD-ĐT đang tham vấn chuyên môn các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo trên cả nước để xây dựng Luật Nhà giáo. Điểm được chú ý trong xây dựng dự luật này là đề xuất cấp giấy chứng nhận (GCN) cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tông (H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh lập trình robotics. Ảnh: C.NGHĨA |
Đề xuất trên của Bộ GD-ĐT đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn, nhất là những giáo viên đã công tác trong ngành Giáo dục nhiều năm. Nhiều giáo viên còn lo ngại khi có thêm GCN thì có phải bỏ thêm thời gian và tiền bạc để đi học giống như thủ tục để được thăng hạng giáo viên hay không.
Lo vì thêm… chứng nhận
Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, GCN nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và đáp ứng các yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. GCN sẽ do Bộ GD-ĐT cấp, có giá trị thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự cũng như chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo đã thực hiện trong nhiều năm nay.
Nhà giáo ở đây gồm người dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dạy sơ cấp, trung cấp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác. Ngoài ra, một số đối tượng có tham gia hoạt động giảng dạy cũng được đưa vào diện cấp GCN như: người giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên, người làm nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức…
Về bản chất, GCN nghề nghiệp khi được cấp cho nhà giáo cũng giống như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà Bộ GD-ĐT đã yêu cầu phải có đối với người tham gia giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc gia lâu nay. Tuy nhiên, làm thế nào để nhà giáo được cấp GCN nghề nghiệp một cách thuận lợi, đơn giản nhất là vấn đề cần được cân nhắc.
Theo TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (thuộc Bộ GD-ĐT), việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo với nền giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển, chứ không phải thêm điều kiện ràng buộc với đội ngũ này như một số ý kiến hay lo lắng của nhà giáo về việc có thêm thủ tục thì có thêm ràng buộc.
Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ quy định nhà giáo là người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (bao gồm cơ sở giáo dục công lập và dân lập, tư thục; các trường thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang).
Thêm chứng nhận nhưng không tốn phí
Đứng trước nỗi lo của giáo viên vì khi có thêm GCN sẽ phải bỏ thêm thời gian và chi phí đi học để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, GCN nghề nghiệp được cấp hoàn toàn miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Người được cấp GCN nghề nghiệp là người đã hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp. Đối với người đang là nhà giáo, nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện cũng sẽ được cấp GCN.
GCN như một “chiếc tem” nghề nghiệp đối với nhà giáo, được cấp một lần và có giá trị ở tất cả các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. GCN cũng đảm bảo các quyền lợi chính đáng của các nhà giáo trong quá trình hành nghề.
Khi có GCN nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Cùng với đó, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương với nhau sẽ được thực hiện một cách thuận tiện hơn nhờ có một thủ tục đồng bộ và thống nhất trên cả nước, tránh được chuyện mỗi địa phương hay mỗi cơ sở giáo dục lại có những quy định khác nhau, gây khó khăn cho đội ngũ nhà giáo.
Theo thông tin từ Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, GCN nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ. Bên cạnh đó, còn quy định việc xác định tương đương đối với GCN nghề nghiệp nhà giáo hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp khi đáp ứng đủ điều kiện.
Công Nghĩa
Bà Nguyễn Thị Trúc Tự, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT:
Quan trọng nhất là phải thực chất
Tất cả GCN đều phải hướng đến giúp quản lý xã hội tốt hơn. Đối với GCN nghề nghiệp của nhà giáo cũng có mục đích tương tự, đó là phục vụ cho hoạt động GD-ĐT được tốt hơn. Nhưng trong hoàn cảnh đang thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, GCN cũng phải đảm bảo sao cho đơn giản, dễ triển khai, tạo thuận lợi nhất cho các đối tượng cần có GCN này để tham gia hành nghề và GCN phải thực sự thực chất, tránh hình thức.
Chị Nguyễn Thu Thảo, sinh viên Khoa Sư phạm Toán, Trường đại học Đồng Nai:
Tốt nghiệp đại học sư phạm có cần phải thêm GCN?
Tôi cho rằng, việc cấp GCN nghề nghiệp với nhà giáo chỉ nên thực hiện với những người học các chuyên môn khác nhưng lại tham gia giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Với những người tốt nghiệp các trường đại học sư phạm thì không nên có thêm GCN này, bởi thực tế sinh viên sư phạm trong quá trình được đào tạo đã được nhà trường trang bị kỹ năng nghiệp vụ sư phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin