Tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước là hai trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ em. Vì vậy, phòng ngừa nhằm giảm thiểu TNTT, đuối nước là việc cần làm thường xuyên, nhất là trước kỳ nghỉ hè.
Nhiều trẻ em được cha mẹ cho đi học bơi nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Hạnh Dung |
Ngay từ cuối tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02/CT-UBND về việc tăng cường giải pháp phòng, chống TNTT, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm và những việc cần phải làm đối với từng sở, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội…
Nêu cao trách nhiệm của từng ngành
Ông Huỳnh Nam Thắng, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội, cho biết là đơn vị chủ trì phối hợp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ngay từ cuối năm 2023, sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Đồng Nai xây dựng video clip truyền thông về phòng, chống TNTT, xâm hại trẻ em cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và phụ huynh trên địa bàn tỉnh. Việc này được thực hiện sớm hơn so với mọi năm. Đến nay những video clip này đã chuyển về các trường, địa phương để tuyên truyền cho học sinh.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, số lượng cơ sở giáo dục mầm non tư thục lớn. Vì vậy, năm nay lần đầu tiên Sở Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức tập huấn kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống TNTT, xâm hại trẻ em cho giáo viên, người chăm sóc trẻ thuộc các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Chương trình được tổ chức từ tháng 4 đến đầu tháng 6 tại 11 huyện, thành phố. Dự kiến có khoảng trên 2,5 ngàn giáo viên, người chăm sóc trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được trang bị kỹ năng.
Tiến sĩ VŨ THIỆN TOÀN cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phân công rõ trách nhiệm cho từng ngành để các ngành chủ động hơn trong việc phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Chị Hồ Thị Trường, chủ Cơ sở mầm non độc lập Ánh Dương (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho hay chị là giáo viên mầm non đã qua đào tạo. Hàng năm, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện đều tổ chức các lớp cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng. Khi nghe chuyên gia tâm lý - kỹ năng chia sẻ về những tình huống xảy ra trong quá trình chăm sóc trẻ, chị mới thấy có những việc đang làm hàng ngày nhưng nếu không thận trọng có thể xâm hại đến trẻ, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, sở đã tham mưu Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh ban hành kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em; phòng chống TNTT, bóc lột trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ làm việc trực tiếp tại 6 huyện, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn của huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa.
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hè tỉnh, Tỉnh đoàn tích cực tham mưu, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động dành cho đội viên, thiếu nhi. Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung chia sẻ, ngoài phối hợp tổ chức hoạt động cấp tỉnh, Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn cơ sở phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại mức độ an toàn từ ao, hồ, sông, suối trên địa bàn để có cảnh báo. Đồng thời, chỉ đạo Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Đoàn, Đội tại địa phương tăng cường tổ chức sân chơi, các lớp kỹ năng dành cho thiếu nhi trong dịp hè.
Gia đình không thể đứng ngoài cuộc
Theo tiến sĩ Vũ Thiện Toàn, chuyên gia tâm lý - kỹ năng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, TNTT, đuối nước xảy ra ở trẻ em phần lớn là do sự thiếu sót của người lớn. Chẳng hạn, trẻ bị tai nạn giao thông do phụ huynh không nhắc nhở các em đội mũ bảo hiểm, phụ huynh chở trẻ nhưng chạy ẩu, chở quá số người cho phép. Trong nhà, ổ điện, dao, kéo, nước sôi để trong tầm với của trẻ. Nhiều gia đình có hồ cá, hòn non bộ nhưng không có rào chắn.
Khoảnh khắc vui hè an toàn. Ảnh minh họa: ĐỖ DUY THẾ |
Có phụ huynh, người chăm sóc trẻ khi pha nước tắm lấy nước nóng ra thau trước, chưa kịp pha nước lạnh thì có điện thoại phải nghe, nghe xong quay lại không kiểm tra cho trẻ vào tắm khiến trẻ bị bỏng. Có trường hợp cho trẻ tắm trong hồ bơi tại nhà nhưng không để mắt thường xuyên khiến trẻ hụt chân bị đuối nước…
Tiến sĩ Vũ Thiện Toàn khuyến cáo, mỗi gia đình nên tự rà soát lại những nguy cơ có thể gây TNTT, đuối nước cho trẻ để có biện pháp khắc phục. Nên dạy trẻ biết cách sử dụng an toàn thiết bị điện trong gia đình nhưng không khuyến khích trẻ sử dụng khi không có sự giám sát của người lớn. Đối với những gia đình có hồ bơi, hồ chứa nước cần phải có rào chắn, có sự giám sát chặt chẽ của người lớn để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Chị Lê Thị Thanh Thúy (ở ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, vợ chồng chị có một con gái 8 tuổi. Chị thường cho con gái xem những video clip tuyên truyền phòng, chống TNTT, đuối nước trên tivi; nhắc nhở con cẩn thận khi chơi lego hoặc những món đồ chơi có chi tiết nhỏ. Ở nhà, chị hướng dẫn cho con cách sử dụng các thiết bị điện nhưng không khuyến khích con tự ý sử dụng. Đồng thời, chị sớm cho con học bơi để có kỹ năng khi ở dưới nước…
Mặc dù đã cố gắng loại bỏ những nguy cơ gây TNTT cho con nhưng chị Thúy vẫn bất an khi con đến trường. “Tôi cho rằng, muốn bảo vệ con khỏi TNTT, đuối nước, mỗi bậc phụ huynh cần nhạy cảm hơn với những nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải trong gia đình để loại bỏ. Với những món đồ chơi của trẻ, cần cân nhắc chỉ nên mua những món đồ chơi không gây nguy hiểm với trẻ và những người xung quanh” - chị Thúy nói.
Nga Sơn
Chị LƯƠNG THỊ THANH HẰNG, ấp Bảo Vệ, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom:
Tăng cường vai trò của nhà trường
Mùa hè, học sinh đều được nghỉ học ở nhà. Một số gia đình sẽ cho con tham gia các lớp năng khiếu, kỹ năng sống, đi du lịch, về quê với ông bà… nhưng phần lớn các em nghỉ hè sẽ ở nhà, tự chơi với nhau nên nguy cơ bị TNTT, đuối nước khá cao.
Để giảm thiểu TNTT, đuối nước trẻ em dịp hè, tôi cho rằng nên tăng cường thêm vai trò của nhà trường. Theo đó, ngoài việc ôn tập văn hóa nhẹ nhàng để học sinh không quên bài, nhà trường tổ chức thêm những hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, kết nối dạy thêm năng khiếu, kỹ năng (có thu phí) cho các em. Như vậy phụ huynh cũng không phải loay hoay tìm chỗ gửi con hoặc bất an khi để con ở nhà một mình.
Em LÊ HOÀNG VY KHANH, học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa):
Hướng dẫn học sinh phòng tránh TNTT
Từ trước đến nay, trong nhà trường thường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng tránh TNTT, đuối nước nhưng theo em vẫn chưa đủ.
Em cho rằng nên có thêm những tình huống cụ thể giúp học sinh dễ hình dung được nguy cơ xảy ra TNTT và biết cách phòng tránh. Chẳng hạn, để tuyên truyền về đuối nước chúng ta có thể tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; tai nạn giao thông thì cho học sinh xem những vụ tai nạn, hình ảnh của nạn nhân tại bệnh viện, hậu quả còn lại sau tai nạn…
Cẩm Tú (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin