Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính phương án xóa hai “điểm nóng” về ùn tắc giao thông

Phạm Tùng
07:20, 27/05/2024

Ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 là những nút giao quan trọng, có lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông lớn trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Chính vì vậy, nhiều năm qua, đây là những “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông.

Nút giao Cổng 11 có lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông rất lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe.
Nút giao Cổng 11 có lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông rất lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Ảnh: P.TÙNG

Trong bối cảnh đó, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các nút giao này là yêu cầu cấp thiết để giải quyết bài toán về giao thông cho đô thị Biên Hòa nói riêng và của tỉnh nói chung.

Tổ chức giao thông kiểu nào cũng ùn ứ

Hiện nay, các tuyến đường kết nối giữa Đồng Nai với các tỉnh như: Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các cầu: Hóa An, Đồng Nai, Long Thành và trên tuyến quốc lộ 51 đều đang trong tình trạng quá tải do sự phát triển nhanh của vùng Đông Nam Bộ. Để giải quyết tình trạng quá tải trên các tuyến đường kết nối vùng, một loạt các dự án đang được triển khai thực hiện như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Cầu Cát Lái…

Tuy nhiên, để nâng cao năng lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu thì việc nghiên cứu đầu tư, cải tạo các nút giao chính trong khu vực là hết sức cần thiết. Trong đó, việc đầu tư, cải tạo 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 được đánh giá là hết sức cấp bách bởi lâu nay, đây là những “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo TEDI, đối với nút giao ngã tư Vũng Tàu, tổng mức đầu tư theo phương án 1 là gần 2,9 ngàn tỷ đồng và phương án 2 gần 9 ngàn tỷ đồng. Đối với nút giao Cổng 11, tổng mức đầu tư theo phương án 1 là hơn 8,4 ngàn tỷ đồng và phương án 2 hơn 11 ngàn tỷ đồng.

Theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI), hiện trạng tại nút giao ngã tư Vũng Tàu đang là nút giao khác mức không hoàn chỉnh với cầu vượt trực thông trên quốc lộ 1 vượt quốc lộ 51 và hầm cho nhánh rẽ trái từ quốc lộ 51 về cầu Đồng Nai. Các hướng giao thông còn lại lưu thông dưới mặt bằng và được điều khiển bằng đèn tín hiệu với nhiều pha đèn, trong đó có bố trí riêng cả pha đèn cho xe máy và các điểm dừng chờ đèn cách xa trung tâm nút. Do lưu lượng giao thông trên mặt bằng lớn nên năng lực thông hành của nút giao đèn tín hiệu không đáp ứng được lưu lượng này. Từ đó, dẫn tới tình trạng các dòng xe dừng chờ đèn đỏ kéo dài, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, tại nút giao Cổng 11 giao cắt giữa quốc lộ 51 với đường Võ Nguyên Giáp và đường Bùi Văn Hòa hình thành 1 nút giao ngã tư đảo xuyến và 2 nút giao ngã 3 điều khiển bằng đèn tín hiệu. Hiện trạng thì dòng giao thông chính là từ hướng Bà Rịa - Vũng Tàu về cầu Đồng Nai và ngược lại. Do đó, tình trạng ùn tắc thường xảy ra tại 2 nút giao ngã ba. Thời gian tới, khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào khai thác thì tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc xảy ra trên nút giao ngã tư đảo xuyến do lưu lượng tập trung từ cầu Đồng Nai vào đường cao tốc và ngược lại.

“Do lưu lượng giao thông trên các tuyến đường thông qua nút giao này rất lớn và tính chất phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe tải lớn và xe container nên phương án tổ chức giao thông bằng đảo xuyến và đèn tín hiệu đã không đáp ứng được, dẫn tới tình trạng chờ đèn kéo dài, dòng chờ xe kéo dài từ nút này sang tới nút khác, gây ra tình trạng ùn tắc toàn bộ khu vực nút giao”- đại diện TEDI cho biết.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình cho rằng, 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 đã quá tải nhiều năm nay nên tình trạng kẹt xe xảy ra liên tục. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để tổ chức giao thông tại 2 nút giao này nhưng đến nay chưa có được giải pháp tối ưu nhất. “Do lưu lượng xe lớn nên chúng ta có tổ chức kiểu gì thì cuối cũng vẫn ùn tắc” - ông Lê Quang Bình cho hay.

Phải giải quyết 2 bài toán cùng lúc

Trước thực trạng ùn tắc, kẹt xe liên tục xảy ra, đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với TEDI để nghe đơn vị này báo các các phương án đầu tư xây dựng các nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11.

Nút giao ngã tư Vũng Tàu là nút giao cửa ngõ của đô thị Biên Hòa.
Nút giao ngã tư Vũng Tàu là nút giao cửa ngõ của đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.TÙNG

Tại buổi làm việc này, TEDI đã đề xuất 4 phương án xây dựng các nút giao (mỗi nút giao 2 phương án).

Đối với nút giao ngã tư Vũng Tàu TEDI đưa ra 2 phương án. Phương án 1 - xây dựng nút giao dạng bóng đèn với các hạng mục cầu vượt trực thông trên tầng 3 theo hướng quốc lộ 51 đi cầu Hóa An và các nhánh rẽ trái gián tiếp từ cầu An Hảo đi Tam Hiệp, từ cầu Đồng Nai về cầu An Hảo và từ Tam Hiệp về Vũng Tàu; xây dựng cầu vượt cho xe máy dọc theo quốc lộ 1. Phương án 2 - xây dựng nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh, mở rộng cầu vượt hiện hữu để đáp ứng lưu lượng theo hướng đi thẳng trên quốc lộ 1 và lưu lượng các dòng rẽ thông qua các nhánh hoa thị. Xây dựng 14 công trình bán hầm tổ chức giao thông dạng ô bàn cờ để phục vụ cho xe máy và xe đạp lưu thông tách riêng với các phương tiện ô tô đặc biệt là xe tải lớn và container.

Đối với nút giao Cổng 11, đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án. Phương án 1 - xây dựng nút giao hoa thị hoàn chỉnh tại nút giao ngã tư giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường Bùi Văn Hòa. Toàn bộ xe ô tô sẽ được lưu thông trên tầng 2, tầng 3 và kết nối 2 tầng bằng các nhánh hoa thị. Dưới mặt bằng được ưu tiên cho xe máy. Phương án 2 - xây dựng nút giao liên thông hoàn chỉnh với các hạng mục cầu vượt trực thông dọc theo đường Võ Nguyên Giáp trên tầng 2 và cầu vượt trực thông theo đường Bùi Văn Hòa và quốc lộ 51 trên tầng 3. Các nhánh rẽ trái trực tiếp bằng cầu vượt. Mặt bằng dưới cầu được ưu tiên cho xe máy lưu thông.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, các nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 là các cửa ngõ của đô thị Biên Hòa. Do đó, ngoài chức năng quan trọng về giao thông, các nút giao này còn đóng vai trò tạo điểm nhấn, cảnh quan kiến trúc cho đô thị Biên Hòa. “Các nút giao này phải được xây dựng hoàn chỉnh, đẹp, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị Biên Hòa”- Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, thượng tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh cho rằng, 2 nút giao cần được đầu tư xây dựng sớm để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cần đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ bởi đây là những nút giao cửa ngõ của đô thị Biên Hòa.

Phạm Tùng

Cần thêm các phương án để lựa chọn

Với các phương án được đề xuất, qua phân tích vẫn đang có các ưu điểm và hạn chế. Do đó, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu có thêm các phương án mới để có được phương án chọn tối ưu nhất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 là những nút giao quan trọng. Do đó, trong thiết kế phải ưu tiên đảm bảo an toàn giao thông trước, tiếp đó, thiết kế phải đảm bảo tính thẩm mỹ về kiến trúc cảnh quan. “Đơn vị tư vấn cần tính toán đề xuất thêm các phương án, trong đó ưu tiên phương án sử dụng tiết kiệm đất” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, đơn vị tư vấn cần tính toán kỹ lưu lượng phương tiện giao thông trong thời gian tới để đề xuất thêm các phương án, từ đó có phương án chọn tốt nhất. “Như nút giao ngã tư Vũng Tàu, hiện nay, tỉnh cũng có chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Cảng Đồng Nai bên cạnh Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Do đó, cần phải có tính toán cụ thể về lưu lượng giao thông trong tương lai”- ông Hồ Văn Hà cho hay.

 

Tin xem nhiều