Ngay từ lúc mới chào đời, Nguyễn Thị Bé Tư (ngụ ấp Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành) đã mang trong mình nỗi đau chất độc màu da cam/dioxin.
Ngay từ lúc mới chào đời, Nguyễn Thị Bé Tư (ngụ ấp Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành) đã mang trong mình nỗi đau chất độc màu da cam/dioxin. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của bản thân và sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, xã hội, Bé Tư đã vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập.
Tuy đôi tay bị dị tật, nhưng Bé Tư vẫn học tập tốt. |
Mẹ Bé Tư kể, cha bị bệnh mất khi Bé Tư chưa đầy một tuổi. Khi sinh ra, em đã mang một thân hình còm cõi, tật nguyền,với hai chân teo tóp và hai cánh tay cũng bị cong queo, vặn vẹo. Nghĩ đến tương lai của con, chị quyết tâm động viên con và xin cho Bé Tư được đến học tập ở một trường tiểu học gần nhà. “Mới đầu, tay con không cầm viết được nên tôi mua một cái bảng nhỏ cùng cục phấn dài để cho con cầm viết bằng cả hai tay. Tập riết rồi từ từ con cũng viết được”.
Đi học sau các bạn cùng lứa tuổi gần 2 năm, nhưng ý thức được hoàn cảnh khó khăn của mình Bé Tư luôn cố gắng học tốt. Được thầy cô tận tình dạy dỗ và nhờ chịu khó học hỏi nên nhiều năm liền, Bé Tư luôn đạt học sinh khá, giỏi. Sang năm học tới, Bé Tư sẽ bước vào học lớp 9 Trường THCS Long Phước. Ngoài việc học văn hóa, mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật, Bé Tư còn được mẹ cho tiền thuê xe ôm đến trường Trung cấp nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch để học lớp thiết kế đồ họa. Đây là chương trình đào tạo nghề thí điểm đầu tiên dành cho người khuyết tật trên địa bàn huyện Long Thành. Tham dự lớp học này, Bé Tư là một trong 13 học viên được Câu lạc bộ chăm lo người khuyết tật, Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai tặng học bổng (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng). Bên cạnh đó, Bé Tư còn được nhà trường tặng một dàn máy vi tính cũ để em có điều kiện trau dồi môn tin học. Từ ngày có máy tính, Bé Tư càng gắn bó hơn với môn tin học. Em mơ ước, khi lớn lên, em sẽ là một nhân viên văn phòng ngồi làm việc bên máy tính.