Bà Đặng Thị Nga, 56 tuổi, tiểu thương tại chợ Biên Hòa đã gắn bó với nghề bán guốc gần 40 năm qua. Tuy cửa hàng guốc của bà nằm ở góc khuất tận trên tầng lầu trong chợ, nhưng nhiều khách quen vẫn tìm đến mua hàng.
Bà Đặng Thị Nga, 56 tuổi, tiểu thương tại chợ Biên Hòa đã gắn bó với nghề bán guốc gần 40 năm qua. Tuy cửa hàng guốc của bà nằm ở góc khuất tận trên tầng lầu trong chợ, nhưng nhiều khách quen vẫn tìm đến mua hàng.
Bà Đặng Thị Nga đóng guốc cho khách. Ảnh: B. Nguyên |
Từ nhỏ, bà Nga đã phụ mẹ đóng guốc cho đến khi đủ lớn để tự mở cửa hàng riêng. Thời trẻ, bà thường phải đạp xe lên TP.Hồ Chí Minh lấy hàng. Ban ngày bà ngồi ở chợ bán cho khách, tối về cả nhà tập trung đóng guốc bỏ mối, nhiều khi phải thức đến khuya để kịp làm hàng. Nhờ nghề này, bà đã nuôi 4 người con trưởng thành. Trước đây, cửa hàng guốc chỉ có vài mẫu đơn giản, một đôi guốc giá bình dân nhưng có khi mang được mấy đời quai nên người nghèo rất chuộng. Giờ mặt hàng guốc cũng chạy theo xu hướng thời trang, nhưng giá khá mềm nên vẫn có khách mua. Mấy chục năm nay, dụng cụ làm việc của bà vẫn chỉ gồm cây búa, chiếc kìm, cái kéo. Người thợ guốc phải khéo léo, nhất là cần tính kiên nhẫn để mỗi đôi guốc đóng ra luôn làm hài lòng khách. Ngày xưa, nghề đóng guốc rất thịnh, tiệm guốc mở nhiều, tấp nập kẻ bán, người mua. Đời sống khá giả hơn, thị trường chuộng các loại dép nhựa, dép da nên nhiều người đóng guốc chuyển qua bán dép vì dễ kiếm lời mà không cực công như nghề cũ. Bà Nga vẫn giữ nghề đã gắn bó bao năm. Con trai của bà cũng theo nghề mẹ đóng guốc, bán tại chợ đêm Biên Hùng.
Lê Quyên