Nửa rổ trứng kiến là sản phẩm của anh Võ Anh Tuấn, ngụ tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu đã thu được sau hơn nửa ngày lùng sục “săn” tổ kiến trong các khu rừng tràm, vườn cây.
Nửa rổ trứng kiến là sản phẩm của anh Võ Anh Tuấn, ngụ tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu đã thu được sau hơn nửa ngày lùng sục “săn” tổ kiến trong các khu rừng tràm, vườn cây. Số trứng và kiến non này được anh bán lại cho các cửa hàng tại TP. Biên Hòa để làm thức ăn cho chim, cá cảnh. Anh Tuấn cho biết, lưng rổ trứng, kiến non đong được hơn 10 lon sữa bò, giá bỏ mối khoảng 300 ngàn đồng, gấp đôi ngày công lao động ở nông thôn. Thời gian đầu, anh đi bắt trứng kiến như một nghề phụ lúc nông nhàn nhưng hơn 2 năm nay đây là công việc mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình anh.
Trung bình mỗi ngày, anh Võ Anh Tuấn kiếm được khoảng 300 ngàn đồng nhờ bán trứng và kiến non. Ảnh: B. Nguyên |
Tổ kiến thường treo trên cành cây, người bắt phải dùng vợt kéo xuống, xua đàn kiến trưởng thành để thu trứng và kiến non. Chính vì vậy, ngoài cây vợt làm dụng cụ bắt kiến, người theo nghề này phải khéo léo và có khả năng trân mình cho kiến cắn. Mỗi buổi sáng, anh dắt chiếc xe đạp rong ruổi tìm rừng cây tập trung nhiều ổ kiến. Anh phải lội bộ, lùng từng bụi cây “săn” tổ kiến. Thường phải mất cả tháng để đàn kiến bị phá tổ hồi phục lại và tạo ra lứa trứng, con non mới. Thợ “săn” kiến phải nắm được quy luật này để canh thời gian quay lại khai thác địa bàn cũ. Mặt hàng trứng và kiến non được thị trường chuộng nên thời điểm nông nhàn thu hút khá đông thanh niên đi bắt trứng kiến để tăng thu nhập nhưng người sống bằng nghề này như anh Tuấn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bình Nguyên