Theo đánh giá của TAND tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù còn nhiều vấn đề khó khăn do lượng án tăng cao, tính chất ngày càng phức tạp nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, TAND hai cấp đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu đề ra.
Thư ký TAND tỉnh làm thủ tục cho người bị hại trước khi vào phiên tòa xét xử liên quan đến bị cáo Đỗ Sơn Tùng. Ảnh: T.TÂM |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng án TAND hai cấp đã giải quyết tăng cao, cụ thể: án hình sự đã tăng hơn 400 vụ, án dân sự cũng tăng gần 400 vụ so với cùng kỳ năm 2022.
* Xét xử nhiều vụ án điểm
Từ đầu năm 2023 đến nay, TAND hai cấp đã giải quyết rất nhiều vụ án hình sự lớn, phức tạp. Trong đó, nhiều vụ án có đến hàng trăm bị hại gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Điển hình nhất là sau gần 10 ngày đưa vụ án ra xét xử, vào ngày 15-5, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Sơn Tùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai, đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, 5 bị cáo đồng phạm khác cũng đã bị TAND tỉnh tuyên từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù giam.
Cụ thể, Công ty CP Bất động sản Nhà đất Đồng Nai do Đỗ Sơn Tùng làm Giám đốc đã vẽ ra 4 “dự án ma” tại H.Trảng Bom. Với sự giúp sức của 4 bị cáo khác, Tùng đã bán được 596 lô đất tại các dự án, chiếm đoạt của 434 người mua đất với số tiền gần 123 tỷ đồng.
Liên quan đến sai phạm tại dự án xây lắp nhà màng thuộc Sở KH-CN, vào ngày 30-6, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (43 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) 13 năm tù; Nguyễn Hồng Đăng Khoa (42 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Nhà Nguyễn, kiêm nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn, gọi tắt là Công ty Trí Nguyễn) 12 năm tù cùng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngoài ra 3 bị cáo khác trong vụ án cũng bị lãnh án treo.
Bản án của TAND tỉnh xác định, Tuấn và Khoa đã cố ý xây dựng 5 khối nhà màng của 2 dự án “Nhà màng VietGAP” và “Nhà màng nông nghiệp” trái quy định pháp luật trên đất của Công ty Trí Nguyễn và để bị cáo Khoa chiếm dụng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Trí Nguyễn, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng. Trong đó nguyên Giám đốc Sở
KH-CN Phạm Văn Sáng (hiện đã bỏ trốn) là người chủ mưu cầm đầu, còn bị cáo Tuấn và Khoa giữ vai trò giúp sức, thực hành tích cực.
Bên cạnh đó, nhiều vụ án tranh chấp dân sự (theo nghĩa rộng bao gồm: dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động) diễn ra phức tạp, kéo dài nhiều năm cũng đã được TAND tỉnh giải quyết dứt điểm.
Đơn cử như vào năm 1991, ông H.N.D. (67 tuổi, ngụ H.Thống Nhất) cho vợ chồng ông H.V.T. (52 tuổi) 100m2 đất để sinh sống (sau đó vợ chồng ông T. cơi nới thêm để có diện tích hơn 330m2). Đến năm 2012, do phát sinh mâu thuẫn và ông D. phát hiện đất gia đình ông bị lấn chiếm nên làm đơn khởi kiện tranh chấp đất, yêu cầu ông T. trả lại hơn 230m2 đất đã lấn chiếm. Vụ việc kéo dài đến đầu năm 2023, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử và yêu cầu ông T. trả lại diện tích đất đã lấn chiếm hơn 80m2 cho ông D.
* Nỗ lực giải quyết án
Theo đánh giá của TAND tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, TAND hai cấp đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết án, chất lượng giải quyết án được đảm bảo.
Thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho hay, đối với các vụ án hình sự, TAND hai cấp đã xét xử nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, không để xảy ra việc kết án oan người không phạm tội; không bỏ lọt tội phạm; không để xảy ra vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù hầu hết đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Các vụ án liên quan đến tham nhũng, chức vụ, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp đã giải quyết hơn 9,6 ngàn vụ, việc/tổng số hơn 18,8 ngàn vụ, việc đã thụ lý. So với cùng kỳ năm 2022, TAND hai cấp đã giải quyết tăng hơn 530 vụ, việc/gần 1,4 ngàn vụ, việc thụ lý. |
Riêng đối với các loại án tranh chấp dân sự tăng cao với tính chất ngày càng phức tạp so với cùng kỳ năm 2022 như: tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp liên quan đến đất đai… Tuy nhiên, với những nỗ lực và quyết tâm cao trong việc đề ra kế hoạch, thu thập tài liệu chứng cứ, tiến hành nhiều thủ tục tố tụng theo luật định, TAND đã giải quyết án kịp thời, đạt hiệu quả cao, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các công tác khác cũng được giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra như: công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, công tác thi hành án hình sự, công tác kiểm tra, giám sát…
Theo thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, thời gian tới, ngành TAND hai cấp sẽ tiếp tục tập trung nâng cao số lượng, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ, việc nói chung; không để án quá hạn không đúng quy định pháp luật; khắc phục việc hủy án nhiều lần không có căn cứ pháp luật dẫn tới kéo dài việc giải quyết án; nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự. Đồng thời, ngành tòa án sẽ đảm bảo ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn luật định và nâng cao nghiệp vụ, trau dồi kiến thức cho cán bộ ngành tòa án để đảm bảo các vụ, việc được xét xử kịp thời, đúng pháp luật.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin