Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào |
Ngành Tư pháp Đồng Nai trong 41 năm qua đã không ngừng phát triển và hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy và hiệu quả hoạt động. Kết quả công tác tư pháp của tỉnh đã giúp hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong khoảng 8 năm gần đây, ngành Tư pháp đã đạt những bước đột phá quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của ngành.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2023) và 41 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp Đồng Nai (1982-2023), phóng viên Báo Đồng Nai đã phỏng vấn Giám đốc Sở Tư pháp VÕ THỊ XUÂN ĐÀO xoay quanh quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp to lớn của ngành trong thời gian qua.
Không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò, vị trí của ngành
Từ khi thành lập cho đến nay, ngành Tư pháp Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bà có thể chia sẻ về những đóng góp của ngành, những kết quả nổi bật mang lại?
- Sở Tư pháp được thành lập từ năm 1982 với 7 cán bộ, công chức. Thời gian đầu, ngành gặp rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng cán bộ, công chức của ngành đã luôn quyết tâm phấn đấu để nỗ lực vượt qua.
Đến nay, ngành Tư pháp đã có sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt công tác và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh. Ngành đã kiện toàn và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và phát triển ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của công chức, viên chức của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Tư pháp VÕ THỊ XUÂN ĐÀO cho biết, ngành Tư pháp Đồng Nai trong 4 năm liên tiếp đã đạt được cờ thi đua của Chính phủ và cờ thi đua hạng Nhất của UBND tỉnh (2019-2022). Nhiều năm liền, ngành còn nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và bằng khen UBND tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2022, Sở Tư pháp còn vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Ngành Tư pháp đã có nhiều đóng góp cho địa phương trên nhiều mặt như: công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phục vụ nhân dân; những đổi mới, sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực hộ tịch, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, đáp ứng yêu cầu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Thời gian qua, ngành Tư pháp đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai công tác cải cách hành chính và kết quả ra sao, thưa bà?
- Trong thời gian qua, ngành Tư pháp đã nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, chất lượng tham mưu văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại áp dụng trong giải quyết công việc được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 99,7% góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đáp ứng chất lượng phục vụ người dân…
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngành Tư pháp rất quan tâm và tích cực triển khai thực hiện việc chuyển đổi số. Vậy công tác này đã có gì nổi bật, thưa bà?
- Chuyển đổi số là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong những năm qua trước yêu cầu và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Theo đó, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số hàng năm và xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, UBND tỉnh.
Ngành Tư pháp Đồng Nai trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.Trong ảnh: Tập thể cán bô, công chưc Sơ Tư pháp |
Cho đến nay, 89 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Tư pháp đã được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh, các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp như: đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp đều đã cung cấp qua cổng dịch vụ công. Công tác số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử đã được Sở Tư pháp triển khai thực hiện với phương châm “đúng, đủ, sạch, sống” để đưa vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc sử dụng và góp phần hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
Để phát huy những kết quả đạt được, ngành Tư pháp sẽ triển khai các giải pháp nào để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác trong thời gian tới?
- Trong thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ, chất lượng chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; đổi mới phương pháp làm việc theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, nhất là các nhiệm vụ thực hiện Đề án 06, số hóa dữ liệu hộ tịch vào phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tập trung thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp sẽ nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế; tăng cường đoàn kết, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra trong ngành; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm.
Xin cảm ơn bà!
An Nhơn (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin