Hỏi: Vừa qua, tôi dự phiên tòa sơ thẩm ở huyện trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại phần đặt câu hỏi, chủ tọa phiên tòa yêu cầu các nhân chứng trong vụ án rời khỏi phòng xử án. Việc làm của chủ tọa phiên tòa có đúng không. Xin được giải thích.
Nguyễn Thị Thuận (ngụ Tân Phú)
- Trả lời: Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành quy định về người làm chứng như sau: Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng…
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan lời khai của người làm chứng, luật tố tụng cũng quy định: Trước khi hỏi người làm chứng về những vấn đề mà họ biết có liên quan đến việc giải quyết vụ án, chủ tọa phiên tòa có thể quyết định những biện pháp cần thiết để những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan.
Trường hợp lời khai của đương sự và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa có thể quyết định cách ly đương sự với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng...
Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng: lời khai của những người làm chứng có thể làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án thì chủ tọa phiên tòa buộc những người làm chứng rời khỏi phòng xử án. Đây là một trong những biện pháp để những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau. Việc làm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa là đúng quy định pháp luật, nên người làm chứng buộc phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa.
LS Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin