Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được đẩy nhanh tiến độ, nhất là những vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Các bị cáo sai phạm tại dự án xây lắp nhà màng thuộc Sở KH-CN bị đưa ra xét xử. Ảnh: T.TÂM |
* Đẩy nhanh tiến độ xét xử
Thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, Chánh văn phòng TAND tỉnh cho biết, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; đảm bảo xét xử đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Đơn cử, liên quan đến sai phạm tại dự án Xây lắp nhà màng thuộc Sở KH-CN, vào ngày 30-6, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Quang Tuấn (43 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) 13 năm tù; Nguyễn Hồng Đăng Khoa (42 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Nhà Nguyễn, kiêm nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn, gọi tắt là Công ty Trí Nguyễn) 12 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, 3 bị cáo khác trong vụ án lãnh án treo.
Bản án của TAND tỉnh xác định, các bị cáo Tuấn và Khoa đã cố ý xây dựng 5 khối nhà màng của 2 dự án “Nhà màng VietGAP” và “Nhà màng nông nghiệp” trái quy định pháp luật trên đất của Công ty Trí Nguyễn và để bị cáo Khoa chiếm dụng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Trí Nguyễn, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng. Trong đó, nguyên Giám đốc Sở KH-CN Phạm Văn Sáng (hiện đã bỏ trốn) là người chủ mưu cầm đầu, còn bị cáo Tuấn và Khoa giữ vai trò giúp sức, thực hành tích cực.
Cũng có những vụ án với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, Viện KSND tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ truy tố để sớm đưa vụ án ra xét xử.
Điển hình như Viện KSND tỉnh đang gấp rút tập trung ban hành cáo trạng truy tố bị can Bùi Thị Ngọc Yến (39 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Định Quán) về tội tham ô tài sản.
Theo nội dung vụ án, lợi dụng vai trò kế toán trưởng của Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Định Quán, Bùi Thị Ngọc Yến đã lập hồ sơ khống và sử dụng chữ ký số của giám đốc kiêm chủ tài khoản Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Định Quán để chuyển tiền cho nhiều người không thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc một số dự án trên địa bàn huyện.
Bằng thủ đoạn nói trên, từ ngày 28-10-2022 đến khi bị phát hiện, Bùi Thị Ngọc Yến đã lập khống 13 phiếu ủy nhiệm chi, chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng. Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên, Yến đã dùng vào việc trả nợ và mua bất động sản.
Theo Viện KSND tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước đã để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực cần thống nhất, tiếp thu và quán triệt đến toàn cán bộ, công chức toàn ngành thực hiện kiến nghị của Viện KSND về những sơ hở, bất cập trong quản lý hành chính nhà nước để phòng ngừa hành vi vi phạm tương tự. Từ đó, góp phần kéo giảm loại tội phạm này.
* Gỡ khó khi giải quyết án tham nhũng, tiêu cực
Theo các cơ quan chức năng, công tác truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án kinh tế chức vụ, Viện KSND tỉnh Nguyễn Phước Vinh cho biết, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực là một trong những lĩnh vực rất phức tạp nên ngay từ đầu các kiểm sát viên đã phải cùng với cơ quan điều tra phân loại, thụ lý, giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật để vừa đáp ứng được chỉ tiêu của ngành, vừa phục vụ được yêu cầu chính trị địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Vinh, việc truy tố liên quan đến án tham nhũng, chức vụ vẫn còn rất nhiều bất cập, khó khăn, nhất là về các quy định pháp luật. Đơn cử như theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hiện nhóm tội liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ có 14 tội; riêng chương về tội tham nhũng có 7 tội. Trừ tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, còn lại tất cả các tội khác đều đòi hỏi phải có thiệt hại từ 100 triệu đồng mới cấu thành tội phạm cơ bản theo điều luật. Tuy nhiên, có những vụ việc sai phạm rõ ràng, hành vi của người có chức vụ, quyền hạn rất nghiêm trọng nhưng không có cơ sở để xác định thiệt hại nên rất khó để định tội người sai phạm.
Bên cạnh đó, do luật pháp có nhiều chồng chéo và không rõ ràng nên việc xác định tội danh đối với người vi phạm trong các vụ án rất khó. Như trong các vụ việc sai phạm mà Thanh tra Nhà nước kết luận là đất giao không qua đấu giá là vi phạm pháp luật. Với hành vi này thì có khả năng người vi phạm sẽ bị khởi tố 3 tội danh: tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); tội vi phạm quy định về quản lý đất đai (Điều 229). Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 229 lại vướng mắc giữa Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, người vi phạm có hành vi giao đất không qua đấu giá là vi phạm Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, hành vi sai phạm lại xảy ra trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Trong khi đó, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định một cách định tính (đất có diện tích lớn, rất lớn, đặc biệt lớn hoặc là đất có giá trị lớn, rất lớn, đặc biệt lớn). Nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 lại được quy định mang tính định lượng (diện tích tính bằng m2, giá trị tính bằng tiền cụ thể) nên rất khó áp dụng để truy tố đúng tội và đúng điều khoản theo quy định của luật.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng là loại tội phạm thường không phát hiện ngay, khi phát hiện thì thời gian phạm tội của người vi phạm đã xảy ra từ lâu và người phạm tội thường có nhiều thủ đoạn tinh vi, che đậy, đối phó với hành vi của mình. Để điều tra viên, kiểm sát viên có đủ năng lực, trình độ và điều kiện thụ lý giải quyết vụ án này phải thuộc cấp tỉnh. Trong khi khung hình phạt của các tội danh này chỉ 15 năm tù nên do cấp huyện thụ lý giải quyết. Trong khi cấp huyện chưa đủ năng lực, điều kiện điều tra, truy tố đối với loại vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Ông Vinh khẳng định, án liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ là loại án rất khó. Do đó, để đạt hiệu quả cao hơn trong việc giải quyết các loại án liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cần tăng thêm biên chế cho ngành kiểm sát; cần kiện toàn các quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế giải quyết vụ án và cần có hướng dẫn kịp thời đối với một số quy định mới để kiểm sát viên có cơ sở áp dụng, vận dụng pháp luật khi giải quyết án.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin