Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai lãnh 7 năm tù

Tố Tâm
09:01, 28/11/2023

Chiều 27-11, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh đã tuyên phạt 2 bị cáo Trần Quốc Tuấn (62 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đồng Nai) 7 năm tù và Võ Khắc Hiển (55 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai) 3 năm tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai bị cáo Trần Quốc Tuấn (phải) và Nguyễn Khắc Hiển tại phiên tòa xét xử chiều 27-11. Ảnh: T.Tâm

* Buông lỏng quản lý, gây thiệt hại hơn 1,3 ngàn tỷ đồng

Trong phần luận tội tại phiên tòa xét xử sáng 27-11, đại diện Viện KSND tỉnh đánh giá, bị cáo Trần Quốc Tuấn với trách nhiệm người đứng đầu một cơ quan nhà nước và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhưng đã buông lỏng quản lý công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động đối với 6 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) gây thiệt hại hơn 1,3 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Tuấn đã thực hiện cấp phép thành lập quỹ TDND không đúng quy định pháp luật; can thiệp vào kết quả thanh tra của đoàn kiểm tra; trong quá trình giám sát, cán bộ giám sát ngân hàng đã phát hiện một số quỹ TDND có dấu hiệu vi phạm và đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất nhưng bị cáo Tuấn không cho kiểm tra. Ngoài ra, vào ngày 25-4-2017, NHNN Việt Nam có văn bản về việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ khách hàng vay vốn Quỹ TDND Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), nhưng bị cáo Tuấn không thực hiện theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam.

“Do không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao trong suốt một thời gian dài nên bị cáo Tuấn đã không kịp thời phát hiện những vi phạm của các quỹ TDND trên địa bàn. Từ đó dẫn đến để các cá nhân vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả hết sức nặng nề, làm mất an ninh trật tự” - đại diện Viện KSND tỉnh nhận định.

Cũng theo Viện KSND tỉnh, bị cáo Hiển là người được phân công phụ trách công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nên phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán của các quỹ TDND. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, không làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình nên đã không kịp thời phát hiện những vi phạm của các cá nhân, tổ chức tín dụng dẫn đến gây thiệt hại hơn 1,3 ngàn tỷ đồng.

Hành vi của 2 bị cáo Tuấn và Hiển là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện ý thức xem thường pháp luật; không làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao nên đã gây ra thiệt hại với số tiền lớn. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các tổ chức tín dụng, gây nhiều bất bình trong quần chúng nhân dân và gây ra nhiều dư luận xấu trong xã hội. Trong đó, bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án với vai trò đầu tiên và phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất.

Với những nhận định trên, Viện KSND tỉnh đã đề nghị HĐXX cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để giáo dục phòng ngừa chung với mức án đề nghị đối với bị cáo Tuấn từ 6-7 năm và bị cáo Hiển từ 3-4 năm tù.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, 2 bị cáo Tuấn và Hiển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ trong công tác dẫn đến không kịp thời phát hiện vi phạm của các quỹ TDND, để các quỹ TDND lập hồ sơ tín dụng giả; nâng khống hạn mức khi khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền; đem tiền huy động được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng khác dưới tên các cá nhân để chiếm đoạt; để ngoài sổ sách tiền gửi; không đưa vào hạch toán. Hậu quả, các Quỹ TDND: Thái Bình, Tân Tiến, Quảng Tiến, Dầu Giây, Thanh Bình và Gia Kiệm vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại hơn 1,3 ngàn tỷ đồng.

* Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Bào chữa cho 2 bị cáo Tuấn và Hiển tại phiên tòa xét xử, các luật sư cho rằng, về tội danh và hình phạt đối với bị cáo như Viện KSND tỉnh truy tố là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, mức án đề nghị của Viện KSND tỉnh là quá nặng.

Luật sư Hoàng Như Vĩnh (Đoàn Luật sư Đồng Nai) bào chữa cho bị cáo Tuấn cho rằng, trên địa bàn tỉnh có tới 36 quỹ TDND, đây là một số lượng rất lớn. Lực lượng nhân sự làm công tác thanh tra của NHNN chi nhánh Đồng Nai chỉ có 20 người. Hàng năm, đơn vị đã tổ chức rất nhiều cuộc thanh tra đối với các tổ chức tín dụng và đã hoạt động hết công suất. Ngoài ra, các quỹ TDND xảy ra sai phạm nói trên đã chủ động làm khống hồ sơ, có những hành vi rất tinh vi nên khó có thể phát hiện ra sai phạm.

Luật sư Nguyễn Huy Hợi (Đoàn Luật sư Đồng Nai) bào chữa cho bị cáo Hiển cho rằng, quá trình từ năm 2014-2017, bị cáo Hiển hàng năm đã làm các tờ trình để trình giám đốc ký các quyết định thanh tra đối với các quỹ TDND nói trên. Tuy nhiên, bị cáo không có quyền quyết định, mà quyền quyết định là do giám đốc. Sau khi hậu quả xảy ra, bị cáo đã phối hợp tích cực với các cơ quan, ban, ngành để khắc phục hậu quả. Bị cáo cũng bị nhiều bệnh nặng đang điều trị nên mong HĐXX cho hưởng án treo để có thời gian chữa bệnh.

Trong bản án HĐXX tuyên chiều 27-11 đã nhận định, hành vi của 2 bị cáo: Tuấn và Hiển đã đủ căn cứ cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, xảy ra trong một quá trình dài thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các quỹ TDND trên địa bàn. Khi các quỹ TDND có dấu hiệu vỡ nợ, các bị cáo đã không kịp thời chấn chỉnh.

Hành vi của các bị cáo đã làm giảm sút niềm tin và gây hoang mang, lo lắng cho người dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo đã gây ra để giáo dục và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, theo HĐXX, quá trình xét xử, 2 bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong hoạt động ngân hàng, được nhiều khen thưởng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tố Tâm

Tin xem nhiều