Trên thực tế, có nhiều trường hợp vì nể nang, mối quan hệ thân tình hoặc hoạt động kinh doanh cầm cố đã cho người khác mượn, thuê phương tiện như: xe máy, xe ô tô. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi cho mượn phương tiện đã bị người mượn chiếm đoạt mang đi cầm cố hoặc đem bán.
Phiên tòa xét xử trực tuyến đối với bị cáo Từ Phúc vào ngày 12-9. Ảnh: T.Tâm |
Điều này không chỉ khiến chủ nhân mất tài sản có giá trị mà nhiều đối tượng vì lòng tham cũng phải nếm “trái đắng” với những bản án nghiêm khắc.
* Cái giá phải trả do lòng tham
Khi bị lãnh án tù, các đối tượng từng vì tham lam mà có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua việc mượn hoặc thuê phương tiện mới ăn năn, hối hận và xin giảm nhẹ hình phạt thì đã quá muộn.
Ngày 12-9, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Từ Phúc (38 tuổi, ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh) 10 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, vào ngày 9-5-2022, Từ Phúc thuê xe ô tô hiệu Toyota Fortuner biển số 60A-887.41 (trị giá hơn 900 triệu đồng) của anh Vũ Thiện Sử (ngụ P.Xuân An) để chạy xe dịch vụ. Đến ngày 23-5-2022, Phúc chạy xe đến khu vực ngã ba Trị An (thuộc H.Trảng Bom) cầm xe cho một người đàn ông (chưa rõ lai lịch) với giá 150 triệu đồng. Số tiền nhận được, Phúc tiêu xài hết rồi bỏ trốn.
Sau khi phát hiện bị Phúc chiếm đoạt xe ô tô, anh Sử đã làm đơn tố cáo. Đến ngày 8-11-2022, Phúc đến Công an TP.Long Khánh đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Có những vụ việc dù đã trải qua hơn 10 năm nhưng các đối tượng vẫn phải gánh chịu hậu quả do bản thân gây ra. Đơn cử, vào tháng 5-2023, TAND TP.Biên Hòa tuyên phạt bị cáo Trần Đỗ Bảo Trân (54 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) 10 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào năm 2010, Trân thuê phòng trọ ở gần phòng chị T.T. (36 tuổi) tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngày 12-7-2010, Trân dẫn chị T. đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đồng Nai làm hộ chiếu. Tại đây, Trân nói chị T. vào làm giấy tờ và mượn chiếc xe máy biển số 72N2-3649 của chị đi thăm bà con. Sau khi mượn xe, Trân đem đi bán lấy 5 triệu đồng tiêu xài rồi bỏ trốn. Đến năm 2022, Trân bị công an bắt giữ và bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đa số các vụ liên quan đến hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đối tượng phạm tội thường có mối quan hệ thân tình với bị hại. Do tin tưởng nhau nên đối tượng dễ mượn tài sản và thực hiện hành vi phạm pháp.
Điển hình như trường hợp bị can Mai Đình Khánh (27 tuổi, ngụ H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) và anh N.V.T. (32 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, H.Tân Phú) là chỗ bạn thân với nhau. Vào ngày 22-1-2019, khi đi chơi không có xe về nhà nên Khánh đã mượn anh T. chiếc xe máy biển số 59D1-049.64 để chạy từ H.Tân Phú về tỉnh Bình Thuận. Sau khi mượn được xe, vào ngày 23-1-2019, Khánh đã mang xe đi cầm cố lấy 2 triệu đồng đi đánh bạc và thua hết. Sau đó, Khánh bỏ trốn đến tỉnh Bình Dương và đến năm 2023 thì bị bắt vì có hành vi phạm pháp khác. Viện KSND H.Tân Phú cũng đã truy tố bị can Khánh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
* Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo các cơ quan chức năng, việc cho mượn phương tiện diễn ra rất phổ biến do tập tính của người Việt Nam là thân cận, dễ tin tưởng nhau. Tuy nhiên, việc này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ với chủ xe mà với cả người mượn xe.
Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định, chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Trong trường hợp gây ra thiệt hại hoặc hao tổn sức khỏe quá nghiêm trọng, chủ xe còn có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. |
Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh tòa Hình sự TAND tỉnh, trên thực tế có rất nhiều trường hợp sau khi mượn xe thì xảy ra nhiều vấn đề phức tạp, tranh chấp ngoài ý muốn như: làm mất xe, đem xe đi cầm cố, đi bán, làm hư hỏng xe thậm chí có thể gây ra tai nạn giao thông… Do đó, trước khi cho người khác mượn xe thì phải kiểm tra người điều khiển xe có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông hay không; trong trường hợp mượn xe phải trao đổi thẳng thắn về trách nhiệm đôi bên và phải kiểm tra phương tiện trước khi cho mượn. Trong một số trường hợp khi cho mượn xe cũng nên xem xét về độ tin cậy nhau để tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.
Theo thẩm phán Kiều Lương, thời gian qua có rất nhiều vụ các đối tượng lợi dụng việc quen biết, tin cậy để mượn phương tiện của nhau. Thế nhưng, sau khi có tài sản thì người mượn đem đi bán hoặc cầm cố. Cho đến khi cơ quan chức năng bắt giữ được đối tượng chiếm đoạt thì rất khó để thu hồi tài sản trả cho chủ sở hữu.
Theo luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, trong một số trường hợp giao xe cho người khác dẫn tới bị xử phạt hành chính hoặc gây tai nạn giao thông thì chủ phương tiện cũng sẽ bị xử lý với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trường hợp nhẹ thì bị xử lý hành chính; trong trường hợp chủ xe giao phương tiện của mình cho người không đủ điều kiện điều khiển xe (như không có giấy phép lái xe, trong người có nồng độ cồn, sử dụng ma túy…) gây ra tai nạn giao thông (tùy mức độ) thì chủ xe có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo cơ quan chức năng, đối với những người cho người khác mượn xe thì nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ về đối phương để không tin và giao nhầm tài sản; tránh để lại những hậu quả đáng tiếc cho đôi bên.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin