Báo Đồng Nai điện tử
En

Dẹp nạn ăn xin đường phố, cần nhiều giải pháp căn cơ

Đặng Ngọc
07:20, 28/02/2024

Tình trạng người ăn xin trên các tuyến đường, ngã ba, ngã tư ở các đô thị diễn ra phổ biến, nhất là ở TP.Biên Hòa. Thời gian qua, dù lực lượng chức năng rất nỗ lực dẹp bỏ tình trạng này nhưng cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Hễ thấy lực lượng chức năng, các đối tượng “hành nghề” ăn xin di chuyển đi nơi khác, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, họ lại đổ ra một số tuyến đường để ăn xin, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông.

Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn, ngày 14-9-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 4272/QĐ-UBND ngày 13-11-2020 của UBND tỉnh về đề án tập trung, giải quyết đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của đề án là thực hiện tốt các quy định về chính sách bảo đảm an sinh xã hội đến người dân; quan tâm, hỗ trợ, chăm lo nâng đỡ các đối tượng là người yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của đề án là UBND tỉnh giao Sở LĐ-TBXH phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác lồng ghép các chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp đến các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, công an cấp huyện tăng cường công tác quản lý hành chính về an ninh trật tự, đặc biệt là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, kiểm tra về cư trú đối với các nhà trọ, nhà nghỉ có người xin ăn cư trú. Quá trình kiểm tra chú trọng rà soát, phát hiện các đối tượng, băng nhóm tổ chức “chăn dắt”, xúi giục, thuê mướn trẻ em, người khuyết tật hoặc người cao tuổi đi xin ăn nhằm trục lợi để xử lý theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng lang thang, xin ăn cũng được Đồng Nai chú trọng theo hướng giúp các đối tượng này hiểu biết chủ trương của tỉnh, của địa phương để từ đó có nhận thức đúng, không đi lang thang, xin ăn; chủ động tham gia lao động sản xuất để có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống và giữ vững an ninh trật tự.

Cốt lõi để giải quyết vấn đề người ăn xin vẫn là giải quyết việc làm cho họ. Nhưng sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, các mạnh thường quân chỉ là tạm thời, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất định. Về lâu dài, bản thân những người ăn xin phải thay đổi nhận thức về cách kiếm tiền, phải dựa vào sự nỗ lực, sức lực của bản thân và chịu thương, chịu khó để lao động có thu nhập lo cho con cái học hành thì mới có cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước hoặc lòng thương hại của người khác.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều
Tổng kho tủ nấu cơm Quang Huy PlazaDịch vụ Chống thấm Bình Dương