Việc giám định, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự góp phần quan trọng vào công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Việc giám định, định giá tài sản trong các vụ án hình sự hiện gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Công an thành phố Biên Hòa niêm phong tài liệu trong vụ phát hiện các phòng khám đa khoa tư nhân làm giả giấy tờ để trục lợi bảo hiểm. Ảnh: T.DANH |
Thời gian qua, hoạt động này đã được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giám định, định giá tài sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở nhiều khâu thủ tục.
* Còn nhiều khó khăn
Tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh vào cuối năm 2023, các thành viên trong ban chỉ đạo đánh giá công tác giám định, định giá tài sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vụ án, vụ việc còn chậm, xuất phát từ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản.
Cũng tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thời gian qua, đại diện các cơ quan tố tụng như công an, viện kiểm sát đều cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn trong điều tra các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng là công tác giám định tư pháp. Đặc biệt, những vụ án trên các lĩnh vực: tài chính, đất đai, xây dựng..., việc định giá tài sản gặp nhiều khó khăn.
Nói về vấn đề này, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Khánh cho biết, công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc vẫn còn chậm, phải gia hạn giải quyết. Một trong những nguyên nhân chính là do việc trả lời kết luận giám định của các cơ quan giám định còn chậm dẫn đến việc giải quyết nguồn tin về tội phạm phải gia hạn để chờ kết luận giám định từ các cơ quan chức năng. Ý kiến trên được nêu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Thường trực Tỉnh ủy về việc thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, công tác tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố Long Khánh trong hơn 2 năm vào cuối năm 2023.
Cũng nói về những khó khăn này, tại hội nghị triển khai công tác thanh tra vào đầu năm 2024, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, công tác giám định còn nhiều vướng mắc về vấn đề thời gian trả kết quả. Một số lĩnh vực còn thiếu giám định viên tư pháp dẫn đến công tác giám định còn gặp khó khăn.
Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 18-1-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh xác định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám định, định giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác giám định, định giá chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề giám định, định giá chưa thường xuyên... Công tác phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan giám định, định giá có lúc chưa kịp thời, cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc xử lý vụ án, vụ việc kéo dài.
* Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giám định tư pháp
Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác giám định tư pháp, định giá tài sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các ban Đảng Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giám định, định giá; chỉ đạo, làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp từ chối, né tránh, đùn đẩy việc giám định, định giá không có căn cứ hoặc kết luận không đúng nội dung trưng cầu giám định, yêu cầu định giá; cố ý kéo dài thời gian giám định, định giá.
Theo Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có 3 tổ chức giám định tư pháp công lập: Trung tâm Pháp y (Sở Y tế); Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (Bộ Y tế) và một tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (trực thuộc Sở Xây dựng). Toàn tỉnh có 153 giám định viên tư pháp tại các sở, ngành; có 23 người làm công tác giám định theo vụ việc. |
Chỉ thị số 32-CT/TU cũng nêu rõ cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong hoạt động giám định, định giá; kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giám định, định giá. Đối với đội ngũ giám định viên phải rà soát, bố trí kịp thời, đầy đủ nhân sự làm công tác giám định, định giá trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị triển khai công tác nội chính năm 2024 mới đây, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết, để gỡ khó cho công tác giám định tư pháp, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (nhất là các điều tra viên, giám định viên, lãnh đạo các cơ quan quản lý giám định viên).
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý giám định tư pháp và quản lý hoạt động của giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; tăng cường chỉ đạo cá nhân, tổ chức giám định tư pháp của ngành mình thực hiện đúng quy định về thời hạn giám định khi các cơ quan tố tụng trưng cầu; tạo điều kiện để các giám định viên phát huy vai trò trong hoạt động giám định tư pháp, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin