Báo Đồng Nai điện tử
En

Ghi âm, ghi hình phiên tòa với góc nhìn pháp lý

Đoàn Phú
08:21, 17/04/2024

Việc ghi âm, ghi hình phiên tòa xét xử công khai là một trong những hoạt động nghiệp vụ của nhà báo.

Tuy nhiên, theo một số quy định tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi thì hoạt động ghi âm, ghi hình của nhà báo ít nhiều bị ảnh hưởng.

Các phóng viên làm thủ tục khi chuẩn bị vào tham dự phiên tòa xét xử các bị cáo trong chuyên án 920G về buôn lậu xăng vào tháng 10-2022 tại Đồng Nai. Ảnh: Tố Tâm
Các phóng viên làm thủ tục khi chuẩn bị vào tham dự phiên tòa xét xử các bị cáo trong chuyên án 920G về buôn lậu xăng vào tháng 10-2022 tại Đồng Nai. Ảnh: Tố Tâm

* Nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình trong giai đoạn khai mạc phiên tòa

Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định, người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp (khoản 2). Việc ghi âm lời nói, ghi hình hội đồng xét xử (HĐXX), thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp (khoản 3). Việc ghi âm lời nói, ghi hình bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp (khoản 4).

Đồng thời, người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của tòa án; vi phạm quyền con người của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án (khoản 5, Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi).

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, trong suốt quá trình điều hành phiên xét xử (hành chính, dân sự, hình sự), không chỉ HĐXX mà tất cả những người tham dự phiên tòa đều mong muốn hoạt động xét xử của tòa án phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, quyền con người, nhân văn, nhân ái, công bằng, khách quan, nghiêm túc… Do đó, để đảm bảo cho phiên tòa được nghiêm túc, tất cả những người tham dự phiên tòa phải tuân thủ pháp luật và nội quy phiên tòa, sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Vì lẽ đó, nhà báo trong quá trình hoạt động báo chí, tác nghiệp cũng phải tuân thủ, không ngoại lệ.

Về vấn đề này, một thẩm phán TAND thành phố Biên Hòa đã về hưu cho biết, Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định như vậy không trái với Luật Báo chí năm 2016 và Bộ luật Dân sự năm 2015 về hoạt động báo chí, tác nghiệp báo chí tại phiên tòa và quyền hình ảnh của tất cả những người có mặt tại phiên tòa như một số người phản ánh.

“Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi nên cho phép nhà báo tác nghiệp trong mọi giai đoạn của phiên tòa. Còn nhà báo sử dụng hình ảnh tác nghiệp đó vào mục đích gì để Luật Báo chí năm 2016, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan điều chỉnh” - luật gia NGUYỄN THANH TẤN (Hội Luật gia tỉnh) đề xuất.

Vì tại điểm d, khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định, nhà báo có quyền được hoạt động báo chí tại phiên tòa xét xử công khai. Điều đó không có nghĩa là nhà báo thực hiện quyền này không cần phải tuân thủ nội quy phiên tòa, sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, quy định pháp luật. Cụ thể là nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân (khoản 2, Điều 13 Luật Báo chí năm 2016); nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí năm 2016 và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác (Điều 2, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam) và quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32); quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38) của Bộ luật Dân sự năm 2015.

* Liệu có khắt khe với báo chí?

Ở một góc độ khác, nhiều nhà báo và chuyên gia pháp lý cho rằng, Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định như trên là đánh đồng nhà báo với những người tham dự phiên tòa khác (cụ thể như: người dân tham dự phiên tòa, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đương sự và cả youtuber trà trộn vào tham dự phiên tòa…) và việc ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ, tư liệu của những người này khác với việc ghi âm, ghi hình để đăng, phát của nhà báo. Nếu chỉ cho phép nhà báo ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa liệu có quá khắt khe, làm hạn chế hoạt động nghiệp vụ của nhà báo, bởi đó là phiên tòa xét xử công khai, có nhiều giai đoạn (thủ tục) như: khai mạc, tranh tụng, nghị án, tuyên án.

Theo nhà báo Hồ Văn Chừng, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, Điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi chỉ nên điều chỉnh đối với đối tượng là người tham dự phiên tòa, phiên họp không phải là nhà báo đang hoạt động nghề nghiệp theo sự phân công của cơ quan báo chí mới phù hợp. Riêng nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa, phiên họp thì quy định như quan điểm Luật Báo chí năm 2016 và các luật có liên quan đang có hiệu lực thi hành.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, điểm d, khoản 3, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định nhà báo có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về hành vi vi phạm pháp luật, nếu nhà báo vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp sẽ bị điều chỉnh không chỉ theo Luật Báo chí năm 2016; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Bộ luật Dân sự năm 2015, Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18-8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, mà còn có nhiều quy định pháp luật khác về: an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, quyền tự do thông tin, bí mật kinh doanh… điều chỉnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều