Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai báo thông tin giả có thể bị xử lý hình sự

Phạm Huệ
09:00, 24/04/2024

Thời gian qua, nhiều người vì che giấu bí mật của cá nhân hoặc nhằm trục lợi cho bản thân đã khai báo thông tin giả khi làm việc với cơ quan chức năng. Điều này không chỉ làm hoang mang dư luận, mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.

Cán bộ Công an tỉnh làm việc với người đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Ảnh minh họa: P.Huệ

Việc khai báo thông tin giả là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc bị xử lý hành chính, còn có thể bị xử lý hình sự với mức án nghiêm khắc.

Khai thông tin giả, đi tù thật

Trên thực tế, nhiều vụ khai báo thông tin giả đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Không chỉ thế, việc khai báo thông tin giả còn khiến nhiều người phải lãnh hậu quả thích đáng.

Trong đó, có người vì mục đích cá nhân sẵn sàng làm tổn hại đến sức khỏe của bản thân và khai báo gian dối với cơ quan chức năng. Đơn cử, vào chiều 5-4, Công an xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận được tin báo có một vụ cướp tài sản xảy ra trên địa bàn. Theo nội dung trình báo, vào ngày 5-4, Lý Minh Tuấn (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) điều khiển xe máy đến một bãi đất trống và dừng xe đi vệ sinh thì bị 2 đối tượng dùng khúc gỗ tấn công. Tuấn chống trả thì bị các đối tượng dùng dao đâm vào đùi phải và cướp 27,5 triệu đồng rồi tẩu thoát. Sau đó, Tuấn được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).

Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội vu khống có thể bị xử phạt tù cao nhất đến 7 năm, hình phạt bổ sung bằng tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan công an, Tuấn khai nhận, vào ngày 5-4, vợ Tuấn đưa 27,5 triệu đồng nhờ gửi vào tài khoản nhưng Tuấn đã đem đi trả nợ hết. Lo sợ vợ biết chuyện nên Tuấn mua dao và tự đâm vào đùi mình để dàn cảnh bị cướp tài sản. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý Tuấn về hành vi khai báo thông tin giả, không đúng sự thật.

Cũng có nhiều người chỉ vì lợi ích của bản thân đã bịa đặt thông tin, hạ thấp uy tín của người khác, gây khó khăn cho công tác xác minh của cơ quan chức năng. Với hành vi đó, một số đối tượng đã vướng vào vòng lao lý. Điển hình như mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom đã ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thanh Hùng (41 tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) về tội vu khống.

Vào ngày 6-3-2023, ông L.Q.N. (50 tuổi, ngụ xã Tây Hòa) thuê người đến đo đạc thửa đất của ông tại xã Tây Hòa. Do ông N. đang tranh chấp lối đi chung với ông N.V.S. (cha của Hùng) nên Hùng không cho người vào đo đất. Lúc này, có nhóm 3 người, trong đó có anh N.H.T. (38 tuổi, ngụ xã Tây Hòa) cùng đến xem đo đất với ông N., nhưng bị gia đình Hùng đuổi ra ngoài, dẫn đến hai bên cự cãi. Trong lúc tranh cãi, Hùng đã lấy đá tự ném bể kính nhà mình rồi gọi điện báo Công an xã Tây Hòa đến giải quyết.

Sau đó, Hùng làm đơn tố cáo ông N., anh T. và những người khác đập phá tài sản của nhà Hùng. Công an vào cuộc xác minh thì phát hiện chính Hùng đã tự đập phá nhà của mình nên đã bắt giữ Hùng để điều tra về hành vi vu khống.

Vu khống là hành vi vi phạm pháp luật

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, việc báo tin giả, đưa thông tin bịa đặt, vu khống, cung cấp thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa bàn, tạo tâm lý hoang mang, bất an cho người dân địa phương, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng khi phải tập trung, huy động lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp điều tra. Qua nghiệp vụ của cơ quan điều tra không khó để phát hiện việc khai báo thông tin gian đối của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho hay việc cố ý tố giác, báo tin giả đến cơ quan chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của vụ việc mà người báo tin giả có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Theo điểm c, khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, với hành vi cố ý tố giác, báo tin giả, cá nhân có thể bị phạt đến 3 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 6 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân nào bịa đặt, vu khống người khác có hành vi phạm tội và tố cáo họ đến cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Mặt khác, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.

Vì vậy, người dân cần cẩn trọng, không tùy tiện thực hiện các hành vi báo tin, tố giác không đúng sự thật để tránh gây thiệt hại cho người khác và có thể tự chuốc họa vào thân. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được báo tin giả đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Mọi hành vi báo tin giả, sai sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phạm Huệ

Tin xem nhiều