Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn ma túy vào học đường

Tố Tâm
07:49, 30/05/2024

Ma túy đã và đang là vấn nạn của xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hành vi của người nghiện, tạo gánh nặng, hiểm họa cho gia đình và cộng đồng xã hội. Trong đó học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các đối tượng liên quan đến ma túy.

Công an thành phố Biên Hòa tuyên truyền pháp luật tại Trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (thành phố Biên Hòa) vào tháng 5-2024.
Công an thành phố Biên Hòa tuyên truyền pháp luật tại Trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (thành phố Biên Hòa) vào tháng 5-2024. Ảnh:T.Tâm

Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp đấu tranh ngăn chặn ma túy vào học đường, nhất là đẩy mạnh công tác phòng ngừa bằng các hoạt động tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Tuyệt đối không sử dụng ma túy dù chỉ một lần

Hè về là dịp học sinh được nghỉ ngơi sau một thời gian dài học tập. Tuy nhiên, đây cũng là nỗi lo của nhiều cha mẹ, bởi hàng ngày phụ huynh vẫn phải đi làm, trong khi các em ở nhà thiếu người quản lý, trông chừng.

Chị Nguyễn Hồng Ánh (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho hay, nhà chị chỉ có 2 mẹ con và con chị đang học lớp 8. Chị làm công nhân từ sáng tới tối mới về nên không có thời gian quản lý, chăm sóc con nhiều. Với hoàn cảnh hiện tại, chị buộc phải để con ở nhờ nhà bạn, nhưng luôn lo lắng con sẽ tham gia vào các cuộc vui chơi của bạn bè và dễ bị các đối tượng ngoài xã hội lôi kéo và vướng vào ma túy.

Trong năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và các chất gây nghiện trong trường học gắn với đảm bảo an toàn trường học cho hơn 2 ngàn cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.

Nỗi lo của chị Hồng Ánh cũng chính là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh khác trong dịp nghỉ hè. Bởi hiện nay, đã xuất hiện tình trạng ma túy ngụy trang dưới các loại kẹo, bánh được đóng gói sản xuất và bán cho học sinh; nhiều loại ma túy, chất gây nghiện trộn trong bóng cười, “nước vui”, “nước khoái”, thuốc lá điện tử… khiến thanh, thiếu niên, trong đó có học sinh, ngộ nhận không phải ma túy, dễ bị thu hút và sử dụng...

Trước thực trạng đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy và nhất là giúp học sinh nhận biết các loại ma túy để phòng tránh. Thông qua hoạt động tuyên truyền trong trường học, nhiều học sinh đã nhận thức được tác hại khôn lường của ma túy.

Em Trần Khánh Ngọc, học sinh lớp 8, Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Biên Hòa), cho hay trong quá trình học ở trường, em thường xuyên được giáo viên nhắc nhở tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là không vì tò mò mà sử dụng ma túy. Hơn nữa, thông qua các buổi tuyên truyền về ma túy ở trường, kèm những hình ảnh thực tế đã giúp em và các bạn sớm phân biệt các loại ma túy, tác hại của ma túy và hiểu thủ đoạn của đối tượng tội phạm ma túy để tránh xa; tuyệt đối không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.

Đồng bộ giải pháp từ gia đình, nhà trường và xã hội

Theo Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, thương binh và xã hội) Đặng Xuân Hòa, ma túy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, hệ thần kinh người sử dụng. Nhiều người vì sử dụng quá nhiều ma túy trong thời gian dài đã dẫn đến bị rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi…, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy đang lan rộng ở giới trẻ, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội (BCĐ phòng, chống AIDS, TP và TNXH) tỉnh vừa có kế hoạch triển khai chương trình phối hợp giữa ngành công an và ngành giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030.

Trong năm 2023, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức hơn 550 buổi tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và hậu quả, tác hại của ma túy với sự tham dự của gần 150 ngàn người dân, công nhân và học sinh, sinh viên trong tỉnh.

Theo đó, BCĐ phòng, chống AIDS, TP và TNXH tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp rà soát, phát hiện các trường hợp người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên để tổ chức đưa đi cai nghiện hoặc quản lý theo quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi mua bán các loại ma túy, nhất là ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy xung quanh các trường học để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Theo BCĐ phòng, chống AIDS, TP và TNXH tỉnh, thời gian tới, các cơ quan chức năng và địa phương cần chú trọng công tác phòng ngừa, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa để nâng cao ý thức phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Đồng thời, cần phòng ngừa và ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất người nghiện mới, nhất là trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.

Ngoài ra, cha mẹ cần phải thường xuyên tìm hiểu về tác hại của ma túy, nhất là những loại ma túy mới để giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng ma túy; quan tâm và sớm phát hiện những bất thường ở con em để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn con em sử dụng các loại thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc. Đồng thời, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của con và trình báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời.

Tố Tâm

Từ khóa:

ma túy

trường học

Tin xem nhiều