Xe máy (kể cả xe máy điện) là phương tiện đi lại thông dụng của người dân, nhưng trong quá trình di chuyển trên đường, nhiều người vẫn vô tư vi phạm các quy định pháp luật giao thông đường bộ.
Điển hình là đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chạy vào làn có biển cấm...
Người điều khiển xe máy đi vào làn xe ô tô (có biển cấm xe máy) trên quốc lộ 51 (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng |
Đáng nói, các hành vi trên không chỉ vi phạm quy định về giao thông đường bộ, mà còn dẫn tới không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm.
* Tai nạn thương tâm do chạy ẩu
Nhiều người dân tại phường An Hòa (thành phố Biên Hòa) vẫn không khỏi bàng hoàng về vụ TNGT trên quốc lộ 51 vào chiều 26-5 khi xe máy biển số 67N1-637.69 va chạm với xe đầu kéo biển số 49H-033.59 làm 2 người đi trên xe máy tử vong (một phụ nữ 57 tuổi và bé gái 3 tuổi). Điều đáng nói, anh N.T.T. (22 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, người điều khiển xe máy nói trên) đã điều khiển xe đi vào làn dành cho xe ô tô, vốn được tách biệt với làn xe máy bằng dải phân cách cứng và có biển báo cấm các loại xe máy.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II-2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia NGUYỄN VĂN THẮNG đề nghị lực lượng chức năng nghiên cứu phạt nguội vi phạm của người điều khiển xe máy. Việc này sẽ giúp cải thiện hành vi của người đi xe máy, hướng tới kéo giảm TNGT trên toàn quốc trong thời gian tới. |
Anh Nguyễn Văn Hiền (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) chỉ rõ, vào các khung giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều hoặc những ngày cuối tuần, tình trạng xe máy đi vào làn dành cho xe ô tô trên quốc lộ 51 không phải hiếm. Mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông không ít lần tổ chức tuần tra kiểm soát, xử phạt nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Điều này kéo theo nguy cơ cao xảy ra TNGT khi xe máy va chạm với các xe ô tô đi đúng làn đường.
Trên thực tế, tình trạng người đi xe máy đi vào các đoạn đường, cầu vượt, hầm chui… có biển cấm xe máy lưu thông còn phổ biến. Đặc biệt, tại một số vị trí thuộc thành phố Biên Hòa như: hầm chui Tam Hiệp, quốc lộ 51, đường Đặng Văn Trơn, đường Nguyễn Ái Quốc… Không chỉ vậy, nhiều người đi xe máy còn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều thành hàng dài trên các quốc lộ hoặc băng qua đường trên những đoạn có kẻ vạch vàng nét liền (đường Võ Thị Sáu, đường 30-4, đường Trần Quốc Toản…).
Thực tế, đã có không ít vụ TNGT thương tâm xuất phát từ việc chạy ẩu của người đi xe máy. Như vào chiều 8-2, xe máy biển số 60F1-773.11 do anh V.H.H. điều khiển lưu thông ngược chiều trên quốc lộ 51 đã va chạm với xe máy biển số 60B1-678.90 do anh C.T.L. điều khiển đi đúng chiều (hướng thành phố Biên Hòa đi huyện Long Thành), khiến cả 2 người tử vong tại chỗ.
Người đi xe máy đi ngược chiều trên đường Phạm Văn Thuận (phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng |
Thống kê của lực lượng chức năng, xe máy luôn là phương tiện chiếm tỷ lệ cao trong các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, trong năm 2023, trên các tuyến đường bộ toàn tỉnh đã có hơn 42 ngàn phương tiện bị tạm giữ vì vi phạm các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, riêng số lượng xe máy là hơn 41 ngàn.
Không chỉ vậy, vào các dịp lễ, Tết, tình trạng người đi xe máy vi phạm quy định giao thông đường bộ cũng luôn ở mức cao so với xe ô tô. Như trong 5 ngày nghỉ Lễ 30-4, 1-5 vừa qua đã có 843/854 trường hợp vi phạm nồng độ cồn là người điều khiển xe máy và hơn 1,5 ngàn trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm tốc độ (trên tổng số gần 2 ngàn trường hợp vi phạm hành vi này).
* Tăng cường xử lý trực tiếp và phạt nguội
Theo thống kê của lực lượng chức năng, toàn tỉnh đang quản lý hơn 2,9 triệu xe, trong đó có hơn 2,7 triệu xe máy. Phân tích các dữ liệu liên quan đến TNGT cho thấy, TNGT do người điều khiển xe máy chiếm hơn 60% tổng số vụ TNGT. Chính vì vậy, việc kiểm soát hành vi của người điều khiển xe máy là một trong những nhiệm vụ được lực lượng chức năng tập trung tiến hành từ cuối năm 2023 đến nay.
Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh DƯƠNG ANH TUẤN:
Cần đổi mới các hình thức tuyên truyền cho người đi xe máy
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông cần phải được đa dạng hóa và thay đổi về cách thức thực hiện theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, chủ động tiếp cận người dân. Việc tuyên truyền về văn hóa giao thông cần phải đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm như: nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; người điều khiển xe máy… Có thể thực hiện thông qua các cuộc thi, hội thi hỏi đáp hoặc các phiên tòa giả định được phát trực tiếp trên các trang mạng
xã hội.Chị TRẦN THANH THẢO (ngụ phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa):
Phụ huynh phải làm gương
Ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ cần phải được rèn luyện từ nhỏ. Muốn xây dựng thói quen này thì vai trò nêu gương của phụ huynh rất quan trọng. Vì vậy, mỗi người lớn cần phải tuân thủ quy định về ATGT để con em noi theo, tự giác chấp hành. Nếu thói quen tốt đã hình thành từ nhỏ thì dễ dàng tiếp tục duy trì khi trưởng thành.
Trong đó, việc xử lý được thực hiện bằng hình thức trực tiếp và phạt nguội thông qua hình ảnh, clip được lực lượng chức năng hoặc người dân ghi lại. Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa đã liên tục tiếp nhận hình ảnh, mời nhiều người điều khiển xe máy lên làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính. Chủ yếu là hành vi: không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều… Đây cũng là điểm mới trong công tác xử lý vi phạm trật tự ATGT được UBND tỉnh phát động trong Phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ảnh vi phạm về trật tự, ATGT trên toàn tỉnh vào cuối năm 2023.
Theo Ban ATGT tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, Ban ATGT tỉnh đã đặt mục tiêu trọng tâm là lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tiếp tục tuần tra kiểm soát và bố trí chốt tại các vị trí phù hợp nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện trên các tuyến đường. Trong đó, tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, trong đó có các hành vi liên quan đến người điều khiển xe máy như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; vi phạm về phần đường, làn đường...
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát người điều khiển xe máy trên quốc lộ 20 (huyện Định Quán). Ảnh: Đ.Tùng |
Ngoài ra, quá trình tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định giao thông đường bộ. Việc này được thực hiện đa dạng về hình thức, thông qua nội dung khuyến cáo trên các tờ rơi hoặc infographic đăng ở các trang mạng xã hội (do cơ quan chức năng quản lý) để người dân dễ hiểu, dễ nhớ…
Bên cạnh đó, để ngăn chặn các TNGT liên quan đến các xe mô tô phân khối lớn, các xe máy được thay đổi kết cấu, ngay từ cuối năm 2023, Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở có dấu hiệu “độ”, “chế” xe máy tại thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom. Qua đó, chủ các cơ sở được yêu cầu cam kết không thực hiện việc “độ”, “chế” xe; góp phần hạn chế hành vi đua xe, gây rối trật tự công cộng… trên các tuyến đường giao thông.
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin