Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống tội phạm trong công nhân lao động:
Bài 2: Khi công nhân vi phạm pháp luật

Đặng Ngọc - Tố Tâm
22:08, 17/05/2024

Trên thực tế, hầu hết các khu công nghiệp (KCN) chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động (CNLĐ); trình độ học vấn, nhận thức của một bộ phận CNLĐ còn hạn chế... là một số nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) trong CNLĐ.

Nhóm công nhân móc nối trộm chì tại Công ty TNHH Công nghệ năng lượng CSB (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) bị công an bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: T.Danh
Nhóm công nhân móc nối trộm chì tại Công ty TNHH Công nghệ năng lượng CSB (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) bị công an bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: T.Danh

Vì vậy, một bộ phận CNLĐ đã bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các vụ vi phạm pháp luật, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

* Chỉ vì thiếu hiểu biết

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Phước Sang cho biết, điều kiện sinh hoạt của CNLĐ hiện còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thuê nhà trọ theo từng khu vực lân cận các KCN để thuận tiện cho việc đi làm. Hiện có rất ít doanh nghiệp có điều kiện bố trí nhà ở tập thể cho CNLĐ.

Do sinh hoạt ở các khu nhà trọ chật chội, hoạt động văn hóa, giải trí còn hạn chế nên vào ngày lễ, Tết, cuối tuần, CNLĐ hay tổ chức nhậu nhẹt, dẫn đến những vụ gây gổ đánh nhau, thậm chí là án mạng xảy ra. Điển hình, ngày 29-11-2023, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Huế (27 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) 14 năm tù về tội giết người.

Theo nội dung vụ án, vào ngày 28-12-2021, anh Nguyễn Thành Trung (38 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) ngồi nhậu cùng Huế và một số bạn bè ở trước cửa nhà trọ. Trong lúc nhậu, giữa anh Trung và Huế xảy ra mâu thuẫn, Huế chạy vào phòng trọ lấy dao tự chế ra chém anh Trung gây thương tật tỷ lệ 55%. Ban đầu Huế bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích, nhưng quá trình điều tra xác định hành vi của bị cáo là nguy hiểm nên cơ quan điều tra đã chuyển sang truy cứu tội danh giết người.

Ngoài ra, không ít CNLĐ trong các công ty chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong quá trình làm việc dẫn đến ẩu đả, xô xát, gây nên các vụ cố ý gây thương tích hoặc những vụ án mạng khiến kẻ tử, người tù.

Đa số vụ việc CNLĐ vi phạm pháp luật xảy ra trong thời gian qua đều do nhận thức pháp luật của một bộ phận CNLĐ còn hạn chế; bị “sập bẫy” việc nhẹ, lương cao; sống đua đòi, bị tác động bởi rượu, bia... Tất cả vấn đề này đều có thể phòng ngừa nếu có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là lực lượng công an và liên đoàn lao động các cấp.

Đơn cử như ngày 17-4-2023, trong quá trình làm việc tại Công ty M.Q. (KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch), giữa Huỳnh Văn Đen (43 tuổi, ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) và ông Nguyễn Văn Út Nhỏ (53 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát với nhau và được mọi người can ngăn. Đến chiều 17-4-2023, khi tan ca, Đen gọi điện cho con trai là Huỳnh Văn Đấu (22 tuổi) đến cổng công ty chặn đường đánh ông Út Nhỏ tử vong. Cuối cùng, 2 cha con Đen và Đấu đều vướng vào vòng lao lý và bị truy tố về tội giết người.

Trong số CNLĐ làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay, có nhiều người ở địa phương khác đến, xuất thân là từ nông thôn với trình độ học vấn và nhận thức về chính trị cũng như hiểu biết pháp luật còn hạn chế; mức thu nhập đa phần chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Trong đó, một số CNLĐ chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật đã vướng vào vòng tù tội. Đáng chú ý, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng CNLĐ trục lợi bảo hiểm xã hội với số tiền rất ít ỏi, thậm chí chưa được hưởng lợi nhưng họ phải gánh hậu quả nặng nề.

Đối tượng Nguyễn Duy Phương bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Ảnh: T.Tâm

Vào cuối năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch đã truy tố 8 bị can về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. 8 bị can này đều đang trong độ tuổi từ 21-36, ngụ tại Đồng Nai và các tỉnh: Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau. Họ đều là CNLĐ làm việc trong các công ty thuộc các KCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Cáo trạng xác định, những CNLĐ này để được nghỉ làm mà không bị mất tiền chuyên cần, không mất ngày nghỉ phép năm, lại được bảo hiểm xã hội chi trả tiền nghỉ bệnh nên từ cuối năm 2021 đến năm 2022, đã mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trên mạng xã hội. Sau đó, 8 CNLĐ này dùng các giấy chứng nhận trên nộp về phòng nhân sự công ty đang làm việc để xin nghỉ việc theo chế độ được hưởng bảo hiểm xã hội. Khi phát hiện sự việc, công ty đã báo cơ quan công an và 8 CNLĐ này đã bị bắt giữ và bị truy tố sau đó.

* Túng quá hóa liều

Trước tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng cũng như việc làm phải cắt giảm, mức lương của một số CNLĐ đôi khi không đủ chi trả cho những khoản phí sinh hoạt, ăn uống và tiền thuê nhà trọ. “Túng quá, hóa liều”, một bộ phận CNLĐ đã có những hành động lệch lạc, sớm bị đồng tiền chi phối và trở thành những kẻ phạm pháp.

Trong đó, một số CNLĐ lợi dụng sự sơ hở trong quản lý tài sản của công ty đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và phải nhận cái kết đắng.

Đơn cử, ngày 29-8-2023, Đồn Công an KCN Biên Hòa nhận được tin báo tại Công ty INZI VINA (đóng tại KCN Amata) bị mất trộm 3 cuộn thép khối lượng hơn 1,4 tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng nên đã cắt cử lực lượng vào cuộc xác minh. Quá trình điều tra, Đồn Công an KCN Biên Hòa xác định đối tượng thực hiện vụ trộm là Phạm Văn Hiền (32 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk), công nhân của công ty. Hiền đã điều khiển xe nâng đưa 3 cuộn thép lên thùng xe ô tô tải do Nguyễn Tấn Phi (28 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) điều khiển chở ra bên ngoài bán. Mở rộng điều tra, lực lượng công an bắt thêm Đỗ Mạnh Hải (30 tuổi) và Lê Văn Tuyến (35 tuổi), đều làm nhân viên của công ty, đã cùng tham gia vụ lấy trộm tài sản. Các đối tượng sau đó đã bị khởi tố điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Việc trộm cắp tài sản trót lọt trong công ty thông thường phải có sự cấu kết rất chặt chẽ của từng công nhân ở các bộ phận khác nhau. Thậm chí là nhờ vào sự móc nối của cả lực lượng bảo vệ công ty để tuồn tài sản trộm cắp ra ngoài thuận lợi.

Điển hình, để đưa hơn 2 tấn chì lấy trộm từ trong Công ty TNHH Công nghệ năng lượng CSB (đóng tại KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) ra ngoài, đối tượng Nguyễn Văn Hải (32 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, tài xế xe đầu kéo chở hàng cho công ty) đã cấu kết với 2 công nhân làm việc tại kho hàng công ty là Trần Mạnh Hùng (28 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trần Quốc Tú (38 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của công ty.

Ngày 9-11-2023, khi Hải điều khiển xe đầu kéo vào khu vực kho của công ty, Hùng và Tú dùng xe nâng đưa 70 thỏi chì (trọng lượng hơn 2 tấn) lên xe để Hải chở ra ngoài bán. Đến khuya, khi các đối tượng mang tài sản trộm được đi bán thì bị Công an Đồn KCN Nhơn Trạch phát hiện, bắt giữ.

Không chỉ trộm tài sản của công ty, một số CNLĐ vì muốn nhanh có tiền tiêu xài đã liều lĩnh bằng cách đi buôn bán, vận chuyển ma túy. Ngờ đâu, tiền chưa nhận được đã phải bán mạng cho ma túy.

Lãnh bản án tử hình vào ngày 5-3-2024, Nguyễn Duy Phương (26 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) dường như đã khép lại cuộc đời tươi đẹp của bản thân. Phương kể, bản thân vốn làm công nhân tại một công ty may ở KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom). Chê đồng lương ít ỏi và bị một số đối tượng lôi kéo, Phương đã nghỉ làm việc ở công ty và bắt đầu lao vào con đường vận chuyển ma túy thuê.

Đỉnh điểm là ngày 4-9-2023, Phương được một người không rõ lai lịch thuê vận chuyển gần 5kg ma túy từ tỉnh Hà Tĩnh vào Thành phố Hồ Chí Minh với tiền công 80 triệu đồng (mới nhận 21 triệu đồng). Ngày 10-9-2023, Phương đến ngã ba Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận một ba lô chứa ma túy. Đến ngày 11-9-2023, khi Phương mang ma túy quay về đến Trạm thu phí Dầu Giây (trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) thì bị công an bắt quả tang.

Đặng Ngọc - Tố Tâm

Bài 3: Xây dựng môi trường làm việc an toàn

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích