Thức ăn đường phố đang trở nên phổ biến bởi món ăn đa dạng, giá cả bình dân, mua bán thuận lợi. Song việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) của thức ăn đường phố còn nhiều bất cập.
Hàng rong bán trước cổng trường hiện chưa được kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Học sinh vẫn mua đồ ăn sáng ở các hàng rong trước cổng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (thành phố Biên Hòa). Ảnh: P.Liểu |
Mới nhất, ngày 1-5, đã có hàng trăm người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) với các dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói... Trong đó, có 7 bệnh nhi nhiễm trùng đường ruột nặng, có 2 ca trong số này ở tình trạng rất nặng, phải lọc máu và thở máy.
* Bỏ ngỏ chất lượng
Thông tin từ ngành chức năng, tiệm bánh mì Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận ATTP. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến. Cơ quan chức năng đã buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11h ngày 1-5.
Theo nhận định của Sở Y tế, đây là vụ ngộ độc tập thể liên quan đến thức ăn đường phố có số người mắc lớn nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, thức ăn đường phố có mặt ở khắp nơi. Từ vỉa hè đến cổng trường học, từ công viên, khu du lịch đến các con hẻm nhỏ, hay nói khác hơn là cứ bước ra đường là có thể mua các loại đồ ăn đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt từ cơm, hủ tiếu, bún riêu, bánh mì đến các đồ ăn vặt như: thịt xiên nướng, chân gà ngâm sả ớt, cá viên chiên, bánh tráng trộn…, cùng nhiều thức uống rất hấp dẫn khác.
Người bán nhiều, người mua không ít nhưng chất lượng, ATTP của thức ăn đường phố lại gần như bị bỏ ngỏ, bởi đây là loại hình kinh doanh tự do, người bán không cần đăng ký, không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên, đi cùng với thức ăn đường phố là tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao khi được bày bán, chế biến tại chỗ trên một chiếc xe đẩy, một góc vỉa hè trong điều kiện nước rửa hạn chế và dụng cụ chế biến không đủ vệ sinh; thức ăn không được che chắn; thực phẩm sống, chín để lẫn lộn… Người bán thoải mái dùng tay bốc thức ăn rồi lại cầm tiền và thao tác nhiều việc khác.
Đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, anh Phạm Thế Vinh (ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) đưa gia đình đi chơi công viên Biên Hùng rồi ghé vào chợ đêm ăn ốc, bún riêu, ăn cá viên chiên và uống nước mía. Sau đó về nhà, cả nhà anh cùng đau bụng, tiêu chảy. Dù không phải đi bệnh viện, nhưng cả nhà phải nghỉ làm, nghỉ học một ngày vì mệt lả người.
Chị Mai Thị Ngọc, vợ anh Vinh, cho biết: “Sau khi ăn ốc và bún riêu, tôi ra phía sau quán tìm chỗ rửa tay thì thấy họ rửa tô, chén qua loa rồi lau lại bằng cái khăn cáu bẩn”.
* Cần tăng cường kiểm soát
Từ vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh cho thấy, nguy cơ ngộ độc của thức ăn đường phố hoàn toàn có thể xảy ra và với quy mô, mức độ thiệt hại không hề nhẹ.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (thuộc Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh, riêng với thức ăn đường phố, trong hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định. Nhưng số lượng các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn quá nhiều, nhiều xe đẩy, gánh hàng rong không cố định nên rất khó quản lý, dù ngành đã rất nỗ lực. Ngoài ra, quy định về thức ăn đường phố chưa thực sự chặt chẽ nên thiếu hành lang pháp lý để kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về ATTP ở các điểm bán thức ăn đường phố.
Cụ thể, Điều 31 Luật ATTP năm 2010 quy định chi tiết và cụ thể về điều kiện bảo đảm ATTP đối với nơi bày bán thức ăn đường phố; Điều 32 của luật này quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố… nhưng khoản 1, Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì thức ăn đường phố lại là đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Điều này đồng nghĩa với việc người kinh doanh thức ăn đường phố không cần phải có giấy chứng nhận trên. Một khi thức ăn đường phố tự do kinh doanh thì sẽ rất khó quản lý.
Trước thực trạng các quy định pháp luật về thức ăn đường phố còn chưa chặt chẽ, lực lượng chuyên ngành còn mỏng, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…, ông Nguyễn Đình Minh khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng việc ăn chín, uống chín; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không dùng thực phẩm đã biến đổi màu, mùi, vị, bị nấm mốc; hạn chế ăn thực phẩm tái sống; hâm nóng thức ăn sau 2h chế biến; rửa tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn. Đặc biệt, không ăn thức ăn bán ở lề đường, chế biến không hợp vệ sinh.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin