Sử dụng mạng xã hội (MXH) đang trở thành xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì việc sử dụng MXH cũng có mặt tiêu cực với những hệ lụy khôn lường.
Anh Nguyễn Thanh Hiền (đứng, ngụ phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) cùng nhóm bạn khởi nghiệp thành công từ việc sử dụng mạng xã hội vào hoạt động kinh doanh. Ảnh: A.Nhơn |
Việc sử dụng MXH mang lại cho con người nhiều lợi ích, là nơi để kết nối, gặp gỡ, chia sẻ thông tin... Đặc biệt, MXH mang đến những trải nghiệm thú vị, tạo sự lan tỏa giá trị tốt đẹp cho cá nhân và xã hội.
Tăng kết nối và chia sẻ
Ở độ tuổi U.70, bà Nguyễn Thị Thu (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) sử dụng khá thành thạo các nền tảng MXH như: Facebook, Zalo, TikTok… Hiện bà xem MXH như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống.
Theo bà Thu, MXH đã giúp ích cho bà rất nhiều trong cuộc sống. Chẳng hạn, giúp bà kết nối và tương tác với bạn bè, gia đình và người thân từ xa; kết bạn bốn phương với những người cùng lứa tuổi, cùng chung sở thích; xem các chương trình giải trí; “đi chợ” online; cập nhật tin tức mới trên các lĩnh vực xảy ra trong nước và thế giới…
“Tôi có những người thân cùng quê nhưng mất liên lạc đã mấy mươi năm và cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại. Nhờ có MXH mà chúng tôi gặp được nhau và giờ chỉ cần gọi Zalo, FaceTime là thấy mặt nhau, vui lắm” - bà Thu tâm sự.
Anh Nguyễn Thanh Hiền (ngụ phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) là một trong những người đã “khởi nghiệp” thành công nhờ sử dụng MXH vào hoạt động kinh doanh. Là lập trình viên, sau 3 năm làm việc và học tập được nhiều kinh nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh quyết định trở về quê nhà Long Khánh để chọn hướng khởi nghiệp cho riêng mình. Tìm hiểu và thấy nhu cầu đặt dịch vụ ăn uống online của người dân Đồng Nai rất lớn, anh cùng nhóm bạn quyết định tạo ứng dụng (app) đặt thức ăn online với tên gọi “iLoka Food”, sau đó thành lập công ty và chính thức giới thiệu app vào cuối năm 2020.
Để nhiều người biết đến app, cũng như dịch vụ giao hàng tận nơi, nhóm anh Hiền đã tận dụng lợi thế của MXH để đăng tải thông tin trên trang Facebook, Zalo của các thành viên trong công ty.
“Thời gian đầu, chúng tôi chỉ kết nối được khoảng 70 cửa hàng chuyên về đồ ăn uống và mỗi ngày chỉ nhận được khoảng 50-100 đơn hàng. Sau khi chúng tôi giới thiệu mô hình lên MXH thì tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Hiện tổng hệ thống của chúng tôi đã có khoảng 1 ngàn cửa hàng và trung bình mỗi ngày có khoảng 800 đơn hàng. Công ty có đội ngũ shipper trên 50 người, chuyên giao hàng tận nơi cho khách hàng” - anh Hiền bộc bạch.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sử dụng các nền tảng MXH vào các hoạt động chuyên môn, điều hành, xử lý công việc hiệu quả.
Năm 2020, Công an tỉnh chính thức ký kết với một doanh nghiệp để triển khai 182 trang Zalo Official Account (Zalo OA) cho ngành công an nhằm phục vụ công tác cải cách hành chính và tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó có 170 trang Zalo của công an các phường, xã, thị trấn trên toàn tỉnh, giúp người dân phản ánh, kiến nghị những sự việc liên quan đến lực lượng công an. Đây cũng là cách lực lượng công an toàn tỉnh tiếp nhận ý kiến, lắng nghe mong muốn của người dân.
Đồ họa: LÊ DUY |
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) Vũ Ngọc Hà cho hay, Đồng Nai là một trong những địa phương có đông người lao động (NLĐ) xa quê đến sinh sống và làm việc. Hiện NLĐ sử dụng MXH để liên lạc người thân, nắm kiến thức bổ ích hay giải trí sau giờ tan ca diễn ra khá phổ biến. Từ đó, trung tâm cũng đã sử dụng MXH để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật trên MXH cho NLĐ.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh có xây dựng trang Facebook Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai và Fanpage Điểm hẹn công nhân. Thông qua các trang này, trung tâm đã tham gia trao đổi thông tin, tuyên truyền, tiếp nhận ý kiến phản ánh cũng như giải đáp thắc mắc của đoàn viên và NLĐ. Trung tâm còn tham gia các buổi livestream phổ biến về kiến thức pháp luật cho NLĐ và giải đáp kịp thời những vấn đề mới, “nóng” có liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Nhờ đó, nhận thức về pháp luật của NLĐ ngày càng được nâng lên.
Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ, việc sử dụng các nền tảng MXH như: Facebook, LinkedIn, YouTube... để học tập và nghiên cứu ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả trong thời đại 4.0. Nhờ MXH, việc tiếp cận tài liệu học tập và nghiên cứu không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, mở rộng khả năng học tập suốt đời và kết nối toàn cầu.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, khi sử dụng Facebook, sinh viên có thể tham gia các nhóm học tập chuyên ngành để trao đổi tài liệu và kinh nghiệm. LinkedIn cung cấp môi trường kết nối với các chuyên gia và tham gia các nhóm thảo luận chuyên môn, giúp mở rộng mạng lưới nghiên cứu và tìm kiếm thông tin mới nhất. YouTube với vô vàn các kênh giáo dục cung cấp bài giảng và hướng dẫn học tập trực quan.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, Sở Tư pháp đã thiết lập và quản lý 2 kênh Zalo OA Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai và Hội đồng phối hợp PBGDPL (phổ biến, giáo dục pháp luật) Đồng Nai để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân thông qua các bài viết được đăng trên trang chính thức và gửi đến những người quan tâm thông qua hộp thư. Sở còn kết hợp chia sẻ các bài viết lên trang Facebook Hoa hồng đỏ để tiếp cận nhiều hơn các đối tượng tuyên truyền. Đến nay, các kênh MXH đã có hơn 600 tin, bài và thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ; trong đó có những bài viết thu hút hơn 5,5 ngàn lượt xem, gần 900 lượt chia sẻ.
“Đối với những thông tin tích cực, hữu ích, người dùng MXH nên bày tỏ cảm xúc, thái độ đồng tình, bình luận theo hướng đồng thuận và có thể chia sẻ trên trang cá nhân và các trang thông tin điện tử khác nhằm tạo sự lan tỏa đến đông đảo mọi người, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội” - Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn, tiến sĩ ĐINH THỊ THANH NGA nhấn mạnh.
Đặc biệt, trang Zalo OA Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai hiện đã góp phần đưa pháp luật đến gần với người dân hơn. Đồng thời, trang Zalo cũng hỗ trợ cho việc giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của sở; hỗ trợ cung cấp thông tin về cải cách hành chính, hướng dẫn, cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử cho người dân, hướng dẫn nộp hồ sơ lý lịch tư pháp trực tuyến.
Chia sẻ về những lợi ích của MXH, tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga, Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn, cho rằng MXH là những dịch vụ liên kết những tài khoản cá nhân, tổ chức trên không gian mạng lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau. MXH có nhiều lợi ích, trong đó tiêu biểu là: tương tác, kết nối, chia sẻ thông tin; kinh doanh; tuyên truyền chính sách pháp luật; giải trí, tiện ích, sáng tạo. Bên cạnh đó, MXH còn hỗ trợ an sinh xã hội thông qua các hoạt động từ thiện, thúc đẩy dân chủ, giám sát xã hội.
Dấu hiệu nhận diện thông tin đúng, thông tin tích cực từ MXH là: về hình thức, những thông tin này thường được đăng, phát trên báo, phát thanh, truyền hình của Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử, trang MXH chính thức của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí và sở hữu trí tuệ. Về nội dung, thông tin phản ánh đúng về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Thông tin tích cực cũng là thông tin về các sáng kiến, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; tấm gương vượt khó của người dân và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp; những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống…
Trần Danh - An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin