VNeID (viết tắt của từ Viet Nam Electronic Identification) là ứng dụng trên thiết bị di động do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển nhằm thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, chính phủ số và xã hội số.
Công an huyện Cẩm Mỹ đến địa bàn khu dân cư giúp người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID. Ảnh: K.Liễu |
Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan ngành dọc, UBND các huyện, thành phố bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 1-7 tới.
* Chỉ sử dụng VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Trong công văn chỉ đạo triển khai thực hiện VNeID và giải pháp chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử ban hành ngày 13-5, UBND tỉnh lưu ý nhiều vấn đề.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan ngành dọc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ, minh bạch trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-7 tới theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022 của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử.
Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu và sẵn sàng, chủ động triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, trước mắt phối hợp chặt chẽ với công an, Sở Thông tin và truyền thông để hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử và việc nhân rộng triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; thường xuyên học hỏi kinh nghiệm hay, mô hình sáng tạo tại các địa phương khác (như: tham khảo kinh nghiệm của thành phố Hà Nội) để triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ các tiện ích, lợi ích khi triển khai định danh, xác thực điện tử VNeID như: thực hiện cấp lý lịch tư pháp, khám - chữa bệnh, chi trả chế độ an sinh xã hội..., giúp người dân hiểu rõ để tham gia thực hiện.
* Mang lại nhiều tiện ích
Hiện nay, mỗi người dùng thường có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau. Điều này dẫn đến nhiều bất tiện như: khó quản lý thông tin cá nhân, phải nhớ nhiều tài khoản giao dịch và mật khẩu. Vậy nên, việc sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, đại tá Trần Ngọc Minh cho biết, VNeID không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và Nhà nước.
Người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để thực hiện đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh… để giải quyết TTHC hoặc đăng nhập một số ứng dụng như: VssID (bảo hiểm xã hội), eTax Mobile (thuế)... Ngoài ra, trên ứng dụng VNeID có thể tích hợp các thông tin như: thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, người phụ thuộc... và xuất trình khi thực hiện các thủ tục như: đăng ký khám chữa bệnh, làm thủ tục hàng không...
Người dùng còn có thể xem được thông tin cư trú của bản thân và hộ gia đình trên ứng dụng VNeID (các thông tin được hiển thị gồm thông tin cá nhân của bản thân, thông tin cư trú: nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại và các thông tin về chủ hộ, thành viên khác trong hộ gia đình). Đồng thời, có thể trực tiếp thực hiện thủ tục thông báo lưu trú và kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự trên ứng dụng VNeID. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tiếp nhận, xử lý 165 tin báo, tố giác tội phạm qua VNeID.
Đại tá Trần Ngọc Minh cho biết thêm, để thuận tiện cho người dân trong việc sử dụng, ứng dụng VNeID đã cho phép người dùng có thể tự cập nhật, thay đổi thông tin số điện thoại trong trường hợp mất số điện thoại hoặc có nhu cầu thay đổi số điện thoại mới mà không cần phải đến cơ quan công an. Mặt khác, ứng dụng VNeID sẽ thông báo thẻ căn cước công dân sắp hết hạn cho người dân trước 30 ngày để người dân có thể thực hiện cấp đổi lại thẻ theo quy định.
“Hiện nay, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đang triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID cho người dân tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi hoàn thành thí điểm sẽ thực hiện triển khai rộng rãi toàn quốc” - đại tá Trần Ngọc Minh cho hay.
Tính đến ngày 18-5, toàn tỉnh đã thu nhận 2.521.021 hồ sơ kích hoạt tài khoản định danh điện tử (trong đó, mức 1: 731.337 hồ sơ, mức 2: 1.789.684 hồ sơ), được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) duyệt cấp 2.299.405 hồ sơ (trong đó, mức 1: 572.098 hồ sơ, mức 2: 1.727.307 hồ sơ), đã thực hiện kích hoạt 1.724.741 tài khoản (trong đó, mức 1: 161.982 tài khoản, mức 2: 1.562.759 tài khoản). |
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin