Chỉ vì thiếu hiểu biết, không ít người đã giúp người khác phạm tội, còn bản thân phải chịu cảnh tù tội.
Các bị cáo đồng phạm với bị cáo Dương Thanh Sang lãnh án nặng vì chuẩn bị hung khí đi đánh nhau. Ảnh: T.Tâm |
Vào tù vì giúp người khác phạm tội
Trong một số vụ án, các đồng phạm dù không trực tiếp gây án vẫn phải chịu hậu quả nặng nề bằng bản án nghiêm khắc.
Đơn cử, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ lúc va quẹt xe, 2 nhóm thanh niên đã chuẩn bị súng, dao, mã tấu, bom xăng… hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả, một người chết, 17 bị cáo phải ngồi tù, trong đó có nhiều bị cáo chỉ đi theo hoặc chuẩn bị, cho mượn hung khí.
Cụ thể, ngày 26-6-2022, khi nghe bị cáo Châu Tuấn Kiệt (20 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) kể lại việc vừa cãi nhau với một thanh niên ở đoạn gần công viên Biên Hùng và rủ đi đánh nhau, Dương Thanh Sang (20 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) liền đồng ý. Ngoài Dương Thanh Sang và Tuấn Kiệt, còn có 12 thanh niên khác cùng tham gia khiến Phan Lê Thanh Sang (ngụ thành phố Biên Hòa) tử vong.
Trong đó, khẩu súng nhóm đối tượng sử dụng gây ra án mạng là mượn của bị cáo Huỳnh Thế Anh Hào (21 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa). Dù chỉ cho các đối tượng mượn súng, không tham gia đánh nhau nhưng Hào vẫn bị tuyên phạt: 8 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.
Cũng có những đối tượng chỉ vì chở người khác đi thực hiện hành vi phạm pháp mà vướng vào vòng lao lý. Như trường hợp bị can Nguyễn Văn Quyền (26 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) chỉ vì chở bị can Phan Thị Giang (29 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) đi nhận tiền bảo hiểm xã hội do nộp hồ sơ giả trước đó mà bị truy tố về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Do đang mang thai, muốn có tiền tiêu xài nên Giang đã làm hồ sơ giả để hưởng trợ cấp thai sản. Ngày
11-8-2023, Quyền chở Giang đến Bảo hiểm xã hội huyện Nhơn Trạch lấy tiền trợ cấp thai sản với số tiền gần 40 triệu đồng thì bị phát hiện, bắt giữ.
Hay một số trường hợp do chứa chấp hoặc che giấu tài sản người khác phạm tội mà có nên đã tự đẩy mình vướng vào vòng lao lý. Điển hình như bị can Đinh Văn Phú (31 tuổi, ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) vừa bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom truy tố về tội che giấu tội phạm.
Cụ thể, ngày 11-11-2023, Đinh Minh Thành (37 tuổi, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) và Nguyễn Sơn (33 tuổi, ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) trộm cắp được chiếc xe mô tô 3 bánh trị giá gần 140 triệu đồng của người dân tại xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom). Dù biết rõ xe mô tô do Thành và Sơn trộm cắp mà có nhưng Phú không trình báo cơ quan công an, lại còn có hành vi giúp đem xe trộm cắp được đi cất giấu.
“Giúp sức về mặt vật chất là các trường hợp cung cấp tiền bạc, công cụ, phương tiện… để tạo điều kiện cho người khác thực hiện hành vi phạm tội dễ dàng, thuận lợi hơn. Giúp sức về tinh thần là các trường hợp chỉ dẫn, góp ý kiến kế hoạch, cách thức thực hiện tội phạm hoặc hứa hẹn che giấu, ban phát cho người phạm tội một lợi ích nào đó…” - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh DOÃN CAO SƠN cho hay.
Có giải pháp ngăn chặn kịp thời
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Doãn Cao Sơn cho hay, đồng phạm giúp sức trong vụ án bao gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Họ đều có vai trò và mức độ thực hiện hành vi khác nhau trong vụ án. Trong đó, có những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng cũng có những đối tượng chỉ giúp sức về mặt tinh thần, vật chất hoặc hung khí…
Về nguyên tắc, tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã xảy ra. Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm đồng phạm về tính chất liên kết hành vi cùng thực hiện một tội phạm. Hành vi của mỗi đồng phạm đều là nguyên nhân gây ra hậu quả, tác hại chung sau khi xảy ra vụ án.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm thì tòa án phải xem xét tính chất, mức độ tham gia phạm tội của người đồng phạm như: mức độ tham gia gây án, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của đồng phạm.
Thông thường, những người giúp sức cho người khác phạm tội là người thân quen, bạn bè, anh em, cha mẹ trong gia đình… Dù biết hành vi vi phạm pháp luật của người khác nhưng họ vẫn đồng ý giúp sức để người phạm tội hoàn thành được hành vi của mình. Do đó, những người giúp sức thường sẽ phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm và bị xử phạt mức án nặng.
Vì vậy, mỗi người dân khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu manh nha thực hiện hành vi phạm pháp hoặc đồng phạm thì cần tìm cách khuyên nhủ, ngăn chặn. Đồng thời, cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng để có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Đối với những vụ phạm pháp đã xảy ra, thay vì tìm cách che giấu thì phải sớm khuyên răn các đối tượng phạm tội ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật hoặc khai báo giúp cơ quan chức năng sớm phá án. Đừng để chỉ vì giúp sức cho người khác phạm tội mà tự đẩy bản thân vào tù.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin