Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái diễn tình trạng ném đá tàu hỏa

Đăng Tùng
09:00, 17/06/2024

Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) vừa “báo động” về tình trạng tàu hỏa bị ném đá khi di chuyển qua địa phận Đồng Nai. Đây là “căn bệnh” diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm gây “nhức nhối” cho ngành đường sắt.

Nhân viên gác đường sắt kiểm soát quá trình tàu hỏa di chuyển qua một vị trí đường ngang thuộc xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Ảnh: Đ.Tùng

Liều lĩnh và bất chấp nguy hiểm

Thống kê từ Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 10 vụ ném đá lên các đoàn tàu khi qua địa phận Đồng Nai. Hành vi này đã uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông (ATGT) tuyến đường sắt.

Cụ thể, tháng 2-2024 xảy ra 1 vụ; tháng 4-2024 xảy ra 4 vụ; tháng 5-2024 xảy ra 4 vụ; tháng 6-2024 xảy ra 1 vụ. Các địa phương tàu đi qua xảy ra sự việc trên gồm: huyện Trảng Bom (5 vụ), thành phố Biên Hòa (2 vụ), huyện Xuân Lộc (2 vụ), thành phố Long Khánh (1 vụ). Tất cả các sự việc đều làm bể kính của tàu đang di chuyển tốc độ cao.

Gần đây nhất, khoảng 16h ngày 1-6, tàu SE6 đến Km1681+500 (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) thì bị ném đá làm bể 1 tấm kính của toa số 31403. Trước đó, khoảng 20h15 ngày 30-5, tàu SE7 đến Km1690+100 (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) thì bị ném đá làm bể 1 tấm kính của toa số 21569.

Ông Trịnh Dũng (nhân viên gác chắn tại chốt đường ngang Km1682+385 qua xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cho hay, việc ném đá lên tàu hỏa đang di chuyển tốc độ cao là rất nguy hiểm. Vì tốc độ tàu từ khoảng 60-80km/h, nên hòn đá có thể gây hư hỏng các phần kiếng chắn gió của tàu. Nguy hiểm hơn, hòn đá có thể văng ngược lại người ném (hoặc người khác) với tốc độ cao sau khi va vào tàu, dẫn tới những người đó bị thương.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ ném đất đá lên các đoàn tàu đều diễn ra tại các khu vực vắng vẻ, dẫn tới việc xác định người ném rất khó. Đến khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thì người ném đã đi nơi khác.

Theo Sở Giao thông vận tải, tuyến đường sắt đi qua địa phận Đồng Nai có chiều dài hơn 89km với 57 đường ngang hợp pháp và 13 lối đi tự mở. Thời gian qua, để ngăn ngừa nguy cơ TNGT tại các lối đi tự mở này, cơ quan chức năng đã bố trí 10 vị trí chốt gác và cho rào hẹp, vận động người dân tự rào xóa bỏ các lối đi còn lại.

Cần có giải pháp quyết liệt hơn

Trước thực trạng trên, ngày 13-6, UBND tỉnh đã có văn bản giao Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải cùng UBND một số địa phương theo thẩm quyền, địa bàn phụ trách giải quyết dứt điểm tình trạng ném đất, đá lên các đoàn tàu; lưu ý tăng cường giải pháp tuyên truyền cho người dân xung quanh khu vực các đoàn tàu đi qua, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, vào cuối tháng 5-2024, UBND thành phố Long Khánh đã yêu cầu các phòng ban, UBND cấp xã thực hiện công tác đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân sống dọc theo đường sắt hiểu rõ và ủng hộ công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, không tự ý tháo dỡ các rào chắn hoặc mở các lối đi dân sinh trái phép, không ném gạch đá vào đoàn tàu.

Tàu hỏa chuẩn bị di chuyển qua cầu Ghềnh (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa).
Tàu hỏa chuẩn bị di chuyển qua cầu Ghềnh (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa).

Trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2024 của UBND tỉnh, thượng tá Trần Văn Bắc, Phó trưởng Công an thành phố Biên Hòa cho hay, thời gian qua, Ban ATGT thành phố đã phối hợp các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát, đề xuất phương án xây dựng hàng rào sắt dọc theo tuyến đường bộ dân sinh song song với đường sắt thuộc khu phố 3 và khu phố 5 (thuộc phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa); đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân sống dọc tuyến đường sắt không được ném đá cũng như có hành vi phá loại tuyến đường sắt.

Về phía người dân, hiện nhiều ý kiến đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể với đối tượng trẻ em, thiếu niên trong dịp nghỉ hè hiện nay. Nhất là phải tổ chức ghi hình lại hành vi ném đá (tại các khu vực thường xảy ra tình trạng trên) để xử lý một số trường hợp điển hình, có tính chất răn đe, không để tái diễn hành vi nguy hiểm, mất ATGT đường sắt.

Hiện nay, hành vi ném đá lên tàu hỏa đang di chuyển đã có chế tài xử phạt. Cụ thể, theo khoản 3, Điều 73, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc các vật thể khác vào tàu.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều