Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc chiến đảm bảo an ninh ngân hàng trong thời đại số

08:33, 04/07/2024

>>> Bài 1: Mối nguy mang tên “tội phạm mạng”

Lợi dụng công nghệ phát triển, các nền tảng mạng xã hội ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều hoạt động giao dịch của người dân, doanh nghiệp được thực hiện trên các nền tảng số, tội phạm mạng đã tìm mọi cách tấn công vào tài khoản ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.

 “Cuộc chiến” phòng, chống các loại tội phạm trên nền tảng số, nhất là tội phạm tấn công vào hệ thống ngân hàng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng

Những năm gần đây, sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, khu vực đã tác động sâu sắc đến hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm nảy sinh nhiều yếu tố là nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm mạng tấn công chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua tài khoản ngân hàng. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp
Cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm mạng tấn công chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua tài khoản ngân hàng. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp

Các loại tội phạm liên quan đến hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói riêng ngày càng phức tạp. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi hệ thống tài chính, ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế và cho toàn xã hội.

Đủ chiêu trò “rút ruột” tài khoản ngân hàng

Thời gian qua, hoạt động của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao thâm nhập vào hệ thống ngân hàng, các tài khoản cá nhân để chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục và ngày càng phức tạp. Công an tỉnh và công an các địa phương đã tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc từ thông tin trình báo của người dân liên quan đến các hoạt động của loại tội phạm này.

Theo Công an tỉnh, trong quý I-2024, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ lừa đảo công nghệ cao (chiếm 49% tổng số các vụ án, vụ việc lừa đảo). Nổi lên là trường hợp một cá nhân ở huyện Nhơn Trạch mất 171 tỷ đồng trong tài khoản. Cụ thể, vào tháng 3-2024, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị một nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao dùng thủ đoạn yêu cầu bà mở tài khoản để chuyển tiền vào. Sau đó, nhóm này xâm nhập vào tài khoản để chiếm đoạt của bà Giang Hương hơn 171 tỷ đồng.

Theo cơ quan công an, mặc dù nhiều thủ đoạn lừa đảo quá cũ, các đối tượng lừa đảo hay sử dụng, đã được ngành chức năng cảnh báo nhưng các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng trên không gian mạng còn phổ biến. Nguyên nhân là do nhiều người dân không cập nhật thông tin, thiếu cảnh giác. Mặt khác, các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm mạng cũng thường xuyên biến đổi, nếu người dân không tỉnh táo rất dễ dàng “sập bẫy”.

Ngoài ra, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Hữu Nam cho biết, phương thức kẻ gian thường sử dụng là lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các ngân hàng, lợi dụng các ứng dụng khoa học - công nghệ mới để thực hiện hành vi phạm tội, cũng là nguyên nhân các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng trên không gian mạng ngày càng nhiều.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Biên Hòa (Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Biên Hòa) Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua, rất nhiều khách hàng của Vietcombank bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Theo bà Nga, thủ đoạn chính của các đối tượng là giả mạo cán bộ thuế gọi điện, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an tỉnh, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động ngân hàng, 31 vụ vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, 20 vụ liên quan khác. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố và đề nghị truy tố hơn 110 bị can liên quan. Hậu quả thiệt hại trong các vụ án liên quan đến lừa đảo ngân hàng ngày càng lớn, có vụ lên đến cả trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo cơ quan chức năng để gửi đường link dịch vụ công, ứng dụng VNeID giả mạo để người dân truy cập tích hợp căn cước công dân và mã số thuế hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VNeID, sau đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, vào đầu tháng 5-2024, anh N.Đ.A. (ngụ thành phố Biên Hòa) nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ xưng là cán bộ quản lý hồ sơ và làm các thủ tục hành chính của Công an phường Long Bình (thành phố Biên Hòa). Người này thông báo phần mềm cài đặt VNeID của anh A. chưa đồng bộ và không trùng khớp, rồi liên tục hối thúc anh làm gấp thủ tục trên để “đảm bảo quyền lợi” công dân. Để anh N.Đ.A thấy được “sự nhiệt tình của cán bộ công an phường”, người này cung cấp cả số điện thoại của cán bộ công an phường để anh liên hệ làm việc.

Theo một cán bộ Công an thành phố Biên Hòa, với thủ đoạn trên, các đối tượng cho người dân cài đặt phần mềm được cài sẵn các mã độc nhằm mục đích tiếp cận và chiếm quyền kiểm soát điện thoại của người dân. Sau khi chiếm được quyền kiểm soát điện thoại từ xa, các đối tượng sẽ thâm nhập vào các tài khoản ngân hàng, ví điện tử trong điện thoại của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Không chỉ tìm cách chiếm đoạt tài khoản bằng những mã độc, các đối tượng tội phạm trên không gian mạng còn tìm đủ mọi cách dẫn dụ người dân “sập bẫy” để chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống chuyển tiền trong ngân hàng.

Như trường hợp mới đây, chị N.T.D. (ngụ huyện Định Quán) đã làm đơn trình báo Công an tỉnh về việc chị bị đối tượng xưng cán bộ làm trong một cơ quan của nước ngoài đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh rủ chơi chứng khoán qua mạng để lừa đảo.

Theo trình bày của chị D., sau khi làm quen qua điện thoại, đối tượng này hướng dẫn chị cài đặt app và nạp tiền vào các tài khoản ngân hàng mà người này cung cấp để chơi chứng khoán. Tin tưởng gặp được “người tốt”, chị D. đồng ý tham gia chứng khoán online thông qua app và nhiều lần nạp tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng cho người này để chơi. Tuy nhiên, sau nhiều lần nạp tiền chơi chứng khoán, cuối cùng chị D. đã nhận ra mình bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền. Đến lúc này, chị D. chỉ biết làm đơn gửi đến cơ quan công an để trình báo sự việc.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh được Công an tỉnh tổ chức ngày 15-5, đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng diễn ra ngày càng phức tạp, cả về số vụ và mức độ thiệt hại.

Theo Bộ Công an, các đối tượng tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ mới, trí tuệ thông minh AI để thực hiện các hành vi vi phạm.

Đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, bao gồm người Việt Nam và cả người nước ngoài, hoạt động trong nước hoặc xuyên quốc gia với công nghệ cao, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tinh vi, manh động hơn...

Ngoài ra, tội phạm lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng đề lừa đảo ngày càng gia tăng. Xu thế phát triển hoạt động dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch kinh tế, thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, cùng với đó là những nguy cơ, lỗ hổng, tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật.

Người phạm tội thường che giấu hành vi phạm tội, tiêu hủy chứng cứ, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với các cơ quan quản lý, cơ quan công an, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy vết. Tài sản thiệt hại trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng ngày càng nhiều, các đối tượng phạm tội hoạt động có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Trần Danh

Bài 2: Nhiều khó khăn, thách thức

 
Tin xem nhiều