Báo Đồng Nai điện tử
En

Tài sản chia cắt tình thân

Tố Tâm
09:00, 20/07/2024

Tranh chấp di sản thừa kế trên địa bàn Đồng Nai trong thời gian qua thường là loại án dân sự phức tạp, kéo dài và thường một vụ án phải đưa ra xét xử ở nhiều cấp tòa khác nhau.

Bà V.T.Đ. đến Tòa án nhân dân tỉnh làm thủ tục tham gia phiên tòa trong vụ án tranh chấp liên quan đến di sản thừa kế. Ảnh: T.Tâm

Nguyên nhân của các vụ việc phức tạp là do khó xác định hiện trạng của di sản thừa kế, nguồn gốc, quá trình biến đổi; thực trạng từng loại di sản, công sức của người duy trì, phát triển di sản thừa kế…

Đa phần do tranh chấp nhà, đất

Đa phần những vụ tranh chấp liên quan đến chia di sản thừa kế là đất đai, nhà cửa. Các vụ tranh chấp này luôn khiến cho tình cảm những người ruột thịt trong gia đình bị rạn nứt, chia cắt, khiến cho người trong cuộc đều bị tổn thương.

Từ sáng sớm 28-6, bà V.T.Đ. (62 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) đã cùng với các em ruột đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh để tham dự phiên tòa phúc thẩm với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bà Đ. cho biết, bà là chị cả trong nhà, đã ở tuổi xế chiều nhưng vẫn phải ra tòa để tranh chấp tài sản với em, khiến bà rất đau lòng. Bà nói, nếu anh em biết nhường nhịn nhau thì có lẽ gia đình bà không phải “tan đàn, xẻ nghé” như hiện nay.

Bà Đ. kể, cha mẹ bà khi còn sống đã mua được thửa đất diện tích hơn 9 ngàn m2 tại huyện Trảng Bom. Vào năm 2023, sau khi cha mẹ mất, thửa đất trên do người em út của bàn là ông V.Đ.T. (52 tuổi) sử dụng canh tác. Vì cha mẹ chết không để lại di chúc nên chị em bà bàn với nhau sẽ chia đều tài sản của cha mẹ. Thế nhưng, người em út không chịu chia tài sản nên cả gia đình bà phải nhờ tòa án phân xử.

Trong khi đó, ông V.Đ.T. lại cho rằng, bản thân từ trước nay sống với cha mẹ và trước khi chết cha mẹ đã có di chúc để lại tài sản cho ông.

Vào tháng 7-2023, TAND huyện Trảng Bom đã tuyên phân chia tài sản thành 5 phần để chia cho 5 anh chị em trong gia đình theo quy định pháp luật vì di chúc ông T. cung cấp không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, vì không đồng ý với phán quyết của tòa án nên phía bị đơn đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm để phân chia lại tài sản và TAND tỉnh đang thụ lý vụ án.

Cũng có những vụ tranh chấp đất giữa những thế hệ khác nhau trong gia đình với tài sản đã hình thành từ rất lâu đời. Đơn cử như trường hợp tranh chấp tài sản thừa kế giữa bà T.N. (89 tuổi, ngụ huyện Long Thành) và con trai là ông V.H. (66 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch). Hai mẹ con tranh chấp về tài sản thừa kế đã được hình thành từ năm 1975.

Cụ thể, theo bà N., vợ chồng bà tạo lập được tài sản là thửa đất có diện tích gần 700m2 tại huyện Long Thành. Đến năm 1996, chồng bà chết nên gia đình đã phân chia phần tài sản của người chồng cho bà và 8 người con (trong đó có ông H.). Lợi dụng lúc sức khỏe bà N. yếu, ông H. đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông đối với toàn bộ diện tích gần 700m2 đất nên bà T. đã cùng các con làm đơn khởi kiện. Tuy nhiên, ông H. lại khai nhận, với phần đất của cha để lại thì anh em đã bán lại cho ông “bằng miệng”, không có giấy tờ nên ông đã làm “sổ đỏ” đứng tên mình.

Vào tháng 5-2024, TAND tỉnh đã tuyên cho bà T. được quyền sử dụng đối với ½ diện tích đất gần 700m2 là tài sản thừa kế chồng bà để lại. Phần diện tích đất còn lại giao cho 8 người con của ông bà mỗi người một phần.

Luật sư VŨ VĂN TĂNG, Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng cần chú trọng việc giáo dục về tình yêu thương, sự đoàn kết, vị tha của những người thân ruột thịt trong gia đình. Giúp mỗi người đều nhận thức được rằng không nên vì lòng tham mà đánh mất tình cảm gia đình.

Đừng vì tiền mà đánh mất tình thân

Theo đại diện TAND tỉnh, thời gian qua, tình trạng tranh chấp di sản thừa kế giữa những người thân với nhau diễn ra phổ biến và nhiều vụ án phức tạp, khó giải quyết.

Nguyên nhân được xác định là do đất đai, nhà cửa ngày càng có giá trị lớn khiến cho lòng tham của con người trỗi dậy. Mặt khác, nhiều thửa đất do không rõ ràng về nguồn gốc, cha mẹ sau khi chết để lại tài sản nhưng không có di chúc khiến cho con cái tranh chấp và phải dẫn nhau ra tòa phân xử.

Việc giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế cũng thường bị kéo dài, xét xử ở nhiều cấp khác nhau do quá trình thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, tài sản tranh chấp thường là đất đai có nguồn gốc từ lâu năm, việc tranh chấp cũng xảy ra ở nhiều thế hệ khác nhau như: giữa cha mẹ với con, giữa anh em, bác cháu… Ngoài ra, những người tranh chấp thường có nơi ở khác nhau, thậm chí có cả những người đang sinh sống tại nước ngoài nên việc tống đạt văn bản hoặc triệu tập làm việc cũng khó khăn.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng để xét xử các vụ án liên quan đến di sản thừa kế cần thực hiện nhiều bước trong quá trình tố tụng như: cần xác định thời hiệu mở thừa kế, thời hiệu khởi kiện; xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng và quá trình quản lý di sản; xác định hàng thừa kế và xem xét tính hợp pháp của di chúc. Điều này khiến cho các vụ án kéo dài. Trường hợp di chúc không hợp pháp, bị thất lạc hoặc hư hại, không thể hiện được đầy đủ ý chí của người để lại di chúc thì việc chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến tranh chấp giữa người thân với nhau cũng cần xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tranh chấp di sản thừa kế, hiểu tâm tư, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh sống của các đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để phân chia di sản thấu tình, đạt lý.

Do đó, theo luật sư Vũ Văn Tăng, với cuộc sống hiện đại và nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao thì việc thiết lập di sản thừa kế là điều rất cần thiết. Việc phân chia, thỏa thuận về tài sản bằng các văn bản theo đúng quy định pháp luật sẽ góp phần giảm tải tình trạng tranh chấp di sản thừa kế. Hoặc trong trường hợp tranh chấp thì có đủ chứng cứ rõ ràng để giải quyết vụ án một cách nhanh chóng và đơn giản hơn.

Tố Tâm

Tin xem nhiều