Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành tư pháp tỉnh đã triển khai cơ bản toàn diện các mặt công tác. Trong đó có một số lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật, đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật để hình thành khung pháp lý, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và cải cách hành chính của địa phương.
Sở Tư pháp kiểm tra đột xuất các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: A.Nhơn |
Nhiều kết quả nổi bật ở các lĩnh vực
Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thể công chức, viên chức ngành tư pháp đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phát huy vai trò, vị trí của mình trong công tác tham mưu cấp ủy, UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành. Kết quả mang lại nhiều chuyển biến tích cực ở hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, công tác kiểm tra, xử lý văn bản luôn được quan tâm thực hiện bài bản. Nhờ đó, 100% văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do UBND tỉnh ban hành đều được Sở Tư pháp thực hiện tự kiểm tra và kết quả kiểm tra các văn bản đều đảm bảo phù hợp quy định pháp luật. 100% văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành được Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền, chưa phát hiện văn bản có sai sót về nội dung, thẩm quyền và kỹ thuật trình bày.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trên 3,5 ngàn cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp với gần 270 ngàn lượt người tham dự; tổ chức 32 cuộc thi tìm hiểu pháp luật và thu hút hơn 32 ngàn lượt người thi; cấp phát gần 180 ngàn tài liệu tuyên truyền, đăng tải hơn 1,9 ngàn tin, bài tuyên truyền, PBGDPL trên các cổng/trang thông tin điện tử.
“Sở Tư pháp cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mới trên trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Facebook Hoa hồng đỏ, Zalo Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai và Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Đồng Nai. Nhờ đó, các quy định pháp luật mới, các quy định pháp luật liên quan đến đời sống xã hội được thông tin kịp thời đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh” - ông Tuấn cho hay.
Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được chú trọng. Hiện hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả, giúp giải quyết những tranh chấp phát sinh, giữ gìn mối đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự của địa phương. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình Một tổ hòa giải có ít nhất một luật gia tại huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa nhằm thu hút đội ngũ luật gia, luật sư tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp được quan tâm thực hiện hiệu quả. “Từ ngày 1-1 đến ngày 31-5-2024, ngành tư pháp đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho trên 13,3 ngàn trường hợp. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng, trước hạn đạt 99,7%” - ông Tuấn chia sẻ.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá, công chứng, luật sư, Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đối với một tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, một tổ chức hành nghề công chứng và 4 tổ chức hành nghề luật sư. Qua đó, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 100 triệu đồng.
Hiện đội ngũ công chức làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh là 3.318 người (280 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 350 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.688 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 455 vụ việc yêu cầu hòa giải và đã hòa giải thành 420 vụ (đạt tỷ lệ 93,12%).
Đổi mới phương pháp làm việc theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp còn gặp những khó khăn, hạn chế, nhất là trong bối cảnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhưng nhiệm vụ được giao cho ngành tư pháp ngày càng nhiều. Trong khi đó, các nhiệm vụ mới đòi hỏi nhân sự của ngành phải kịp thời nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn để tham mưu, tổ chức thực hiện. Điều này đã tạo áp lực lớn đến công việc và cuộc sống của đội ngũ công chức, viên chức.
Hiện nay, ngành tư pháp đang tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, hầu hết các địa phương gặp không ít khó khăn như: cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật chưa được đảm bảo; khó khăn về nguồn lực, phương thức phối hợp thực hiện và nhiều yếu tố khách quan khác. Do đó, việc triển khai toàn diện đề án trên địa bàn tỉnh bước đầu còn gặp nhiều lúng túng...
Phát biểu tại Hội nghị Giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 vào ngày 28-6, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào đề nghị trong thời gian tới, ngành tư pháp cần đổi mới phương pháp làm việc theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, nhất là các nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 về phấn đấu đạt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch vào phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo kế hoạch của Bộ Tư pháp.
Ngành tư pháp tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử (lý lịch tư pháp, công chứng, hộ tịch...) trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; thực hiện có hiệu quả chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm...
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin