Từ đầu mùa mưa năm 2024 đến nay, các đơn vị chức năng của thành phố Biên Hòa thường xuyên cắt tỉa cành và nạo vét hệ thống cống thoát nước đô thị. Qua đó hạn chế các sự cố mà người dân có thể gặp phải vào mùa mưa như: cây gãy đổ, ngập nước…
Cây xanh trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) được cắt tỉa liên tục để đảm bảo chiều cao an toàn. Ảnh: Đ.Tùng |
Nguy cơ tai nạn trong mưa
Những ngày gần đây, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai liên tục dự báo về khả năng diễn ra mưa lớn diện rộng, với thời tiết nhiều mây, mưa nhiều nơi, có nơi mưa to đến rất to trên toàn tỉnh. Đồng thời, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cũng cảnh báo cần đề phòng nguy cơ ngập úng tại các khu đô thị, những khu vực ven sông, kênh rạch.
Riêng tại thành phố Biên Hòa là đô thị có dân số đông, phương tiện giao thông nhiều, lại gần các sông, suối nên khi xảy ra các sự cố trong mưa lớn (ngập, cây đổ) sẽ phát sinh các nguy cơ tai nạn trên tuyến giao thông. Điển hình như: ùn tắc kéo dài, xe chết máy… ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Trong những tuần cao điểm mùa mưa hiện nay, tại thành phố Biên Hòa đã xuất hiện một số sự cố liên quan đến cây xanh và hệ thống thoát nước khi mưa lớn. Dù chưa ghi nhận thiệt hại về người nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống, đi lại của người dân.
Gần đây nhất, trong cơn mưa tối 20-5, quốc lộ 51 (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) và hầm chui ngã tư Vũng Tàu xuất hiện tình trạng ngập sâu trong nước. Trước đó, chiều 7-5, cây xanh đô thị cao khoảng 8m gãy đổ ra đường Nguyễn Ái Quốc (gần giáo xứ Hòa Hiệp, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa).
Ngoài ra, theo thống kê của cơ quan chức năng thành phố Biên Hòa, tính đến tháng 5-2024, toàn thành phố đang tồn tại 11 điểm ngập gồm: khu vực quốc lộ 51 và khu phố Bình Dương, phường Long Bình Tân; đường Võ Nguyên Giáp (đoạn qua khu du lịch Vườn Xoài); khu vực gần ngã ba Trảng Dài (đoạn đầu vào đường Bùi Trọng Nghĩa, khu phố 2A, phường Trảng Dài)...
Ông Trịnh Đức Anh (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) chi rõ, một trong các nguyên nhân gây ngập hiện nay là rác lấp kín các miệng thu nước tại hố ga, các tấm đan lưới thoát nước và các trường hợp dùng các loại bao bì để che mùi hôi tại các vị trí này. Vì thực tế ngay sau các trận mưa lớn, các vị trí miệng cống, tấm đan lưới đều đặc nghẹt rác, trong đó nhiều nhất là các bao ny-lông, lá cây… khiến nước thoát không kịp, gây ngập.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X ngày 17-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường vận động, phát động Phong trào Người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị. Đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương thường xuyên nạo vét, kiểm tra hệ thống cống thoát nước, cây xanh ven đường. Qua đó hạn chế các nguy cơ mất an toàn giao thông đến từ việc ngập nước, cây gãy đổ trên đường.
Các địa phương phải chủ động kiểm tra
Qua rà soát trong 11 điểm ngập nói trên tại thành phố Biên Hòa thì hiện các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều dự án chống ngập. Đáng chú ý, một số điểm ngập nhỏ, đọng nước đang được xử lý nhanh chóng, dự kiến sớm hoàn thành là: điểm ngập Suối Độn (phường Tam Phước); điểm ngập tại khu tái định cư Tân Biên 1 (phường Tân Biên); điểm ngập tại khu vực hẻm 805, đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 1, phường Tân Hiệp…
Để tiếp tục có giải pháp ngăn ngừa ngập cũng như cây xanh ngã đổ trên tuyến giao thông, Phòng Quản lý đô thị đề nghị UBND 30 phường, xã; Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương tổ chức nạo vét, duy tu, khơi thông dòng chảy của hệ thống thoát nước, đặc biệt khu vực đô thị trong mùa mưa. Cùng với đó là phát động phong trào người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc thu gom rác, góp phần chống ngập.
Ngoài ra, Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố Biên Hòa thường xuyên nhắc nhở nhà thầu cung ứng dịch vụ công ích về cây xanh, tăng cường công tác duy trì, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đô thị. Qua đó để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, tạo điều kiện để cây xanh sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo khoảng cách an toàn dưới đường điện, đường sắt.
Để việc đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên các tuyến đường bộ mùa mưa, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường bảo dưỡng thường xuyên, tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước, lòng suối tại các cầu, cống trước mùa mưa bão, tu sửa hệ thống báo hiệu tại các vị trí có nguy cơ sạt lở… Trong thời gian xảy ra mưa, bão, lũ, lụt, các địa phương phải tổ chức lực lượng trực gác để có giải pháp xử lý kịp thời bảo đảm an toàn giao thông. Đối với khu vực bị ngập do nước dâng cần phải theo dõi mực nước để tổ chức giao thông phù hợp; khi mực nước dâng cao phải có biện pháp hạn chế, phân luồng giao thông hoặc dừng khai thác khi không đủ an toàn.
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin