Báo Đồng Nai điện tử
En

Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa

Đoàn Phú
08:37, 30/09/2024

Luật Đất đai năm 2024 (hiệu lực từ ngày 1-8-2024) cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.

Từ ngày 1-8-2024, Luật Đất đai năm 2024 cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất, tặng cho đất trồng lúa. Trong ảnh: Nông dân xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) thăm đồng. Ảnh: Đ.Phú
Từ ngày 1-8-2024, Luật Đất đai năm 2024 cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất, tặng cho đất trồng lúa. Trong ảnh: Nông dân xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) thăm đồng. Ảnh: Đ.Phú

Điều này đã mở ra cơ hội được trở thành nông dân của cá nhân khi họ không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, cho dù trước đây vấn đề này bị Luật Đất đai năm 2013 nghiêm cấm.

Quy định mở

Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất (SDĐ) khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm: đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 2 vụ lúa trở lên.

Để bảo vệ đất trồng lúa, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tại khoản 2, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013 quy định, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa. Vấn đề này đã làm hạn chế quyền được SDĐ trồng lúa, được nhà nước công nhận quyền SDĐ trồng lúa và các quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa của người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài.

Khoản 3, Điều 182 Luật Đất đai năm 2024 quy định, người SDĐ trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ phì của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn là: công chức; viên chức; người hưởng lương hưu; người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng…

Để tháo gỡ vấn đề này, tại khoản 7, Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định lại, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật Đất đai năm 2024 thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án SDĐ trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6, Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.

Luật gia Nguyễn Quang Khiêm (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, điều này có nghĩa là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa và diện tích nhận chuyển nhượng, tặng cho không bị giới hạn; đồng thời việc nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa đó nếu quá hạn mức 3 hécta cho mỗi loại đất gồm: đất trồng cây hàng năm (trong đó có đất trồng lúa), nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đối với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Đồng Nai thì cá nhân mới phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án
SDĐ trồng lúa theo quy định.

Vẫn có trường hợp bị luật hạn chế

Mặc dù Luật Đất đai năm 2024 cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa, nhưng tại khoản 8, Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 có quy định, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó.

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 48 Luật Đất đai năm 2024 cũng có quy định, cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền SDĐ cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024.

Luật gia Lương Văn Hùng (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, căn cứ theo quy định trên thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó. Đồng thời, cá nhân là người dân tộc thiểu số không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và không thuộc đối tượng thừa kế thì không được nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa của nhau.

Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 2024, trường hợp sau cũng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ nói chung, trong đó có đất trồng lúa: tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều