Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”

Trần Danh
08:24, 16/09/2024

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều băng, nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã bị xử lý. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Cán bộ công an đọc lệnh khám xét nơi ở đối với Nguyễn Văn Dưỡng.
Cán bộ công an đọc lệnh khám xét nơi ở đối với Nguyễn Văn Dưỡng.

Thời gian qua, tội phạm “tín dụng đen” thường “núp bóng” doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh cầm đồ  để hoạt động nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

“Núp bóng” doanh nghiệp để hoạt động

Gần nhất, ngày 30-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Dưỡng (37 tuổi, chủ Cơ sở Dịch vụ cầm đồ 9999 Dương Phát, đóng tại  xã An Phước, huyện Long Thành) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Quá trình điều tra cơ quan công an xác định, “núp bóng” dưới danh nghĩa là cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đối tượng Nguyễn Văn Dưỡng đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất dao động từ 9-30%/tháng.

Trước đó, vào đầu tháng 12-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt giữ nhóm đối tượng chuyên hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố Biên Hòa và khu vực lân cận.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (từ ngày 15-9-2023 đến tháng tháng 2-2024), lực lượng công an trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 16 vụ, 37 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 13 vụ, 23 bị can, xử phạt hành chính 2 vụ 7 đối tượng, 1 vụ còn lại đang tiếp tục điều tra.

Theo điều tra của công an, nhóm đối tượng nói trên đều là người từ các tỉnh, thành khu vực phía Bắc vào địa bàn thành phố Biên Hòa lập thành băng, nhóm để hoạt động cho vay lãi nặng. Để hợp thức hóa hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng thành lập cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và mua bán, ký gửi nhà đất mang tên Cơ sở Cầm đồ Thắng 15 (đóng tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). 

Qua điều tra, lực lượng công an đã bắt giữ 4 đối tượng tham gia băng nhóm gồm: Nguyễn Đức Thắng (33 tuổi), Tạ Văn Thiệp (26 tuổi), cùng quê thành phố Hải Phòng; Nguyễn Thanh Hồng (“Hồng Đen”, 38 tuổi), Phạm Mạnh Tuấn (29 tuổi), cùng quê tỉnh Nam Định để tiếp tục điều tra. Theo xác minh của công an, các đối tượng đã cho nhiều người dân vay số tiền hàng chục đến hàng trăm triệu đồng với lãi suất rất cao so với quy định. Những trường hợp khó đòi được nợ, các đối tượng đã kéo người đến đe dọa, uy hiếp.

Không chỉ có các vụ việc nói trên, trước đó vào giữa năm 2023, trong đợt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh cầm đồ thành phố Biên Hòa, các địa bàn lân cận cũng hoạt động cho vay lãi nặng nên đã lập hồ sơ xử lý.

Không để người dân “sập bẫy”

Theo các cơ quan chức năng nhận định, thời gian tới, tình hình kinh tế, lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhu cầu tài chính trong nhân dân sẽ tăng cao, nên tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” sẽ phức tạp. Các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hoạt động sẽ còn diễn biến phức tạp.

Nhằm tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, ngày 9-9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ban hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị và các địa phương yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn loại tội phạm này.

Tiệm cầm đồ của Nguyễn Văn Dưỡng ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành).
Tiệm cầm đồ của Nguyễn Văn Dưỡng ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tập trung hướng đến những người dễ trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” như: những người đang gặp khó khăn về kinh tế, có nhu cầu vay tín dụng nhưng không đáp ứng điều kiện vay vốn của hệ thống ngân hàng, nhận thức pháp luật hạn chế, thất nghiệp, mất việc làm, công nhân, học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp, người dân tộc thiểu số...

UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, doanh nghiệp “núp bóng” hoạt động “tín dụng đen”.

Đối với Công an tỉnh sẽ chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả chuyển hướng công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng công an từ thủ công, truyền thống sang công nghệ hiện đại để xử lý, giải quyết một số tỉnh huống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.

Công an tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, tích cực, khẩn trương phối hợp với các sở, ngành triển khai các giải pháp để hạn chế nguyên nhân, điều kiện của “tín dụng đen” và khuyến khích các chuyên gia có trình độ công nghệ thông tin phối hợp, hỗ trợ, cung cấp các giải pháp, thông tin cho công an các đơn vị, địa phương trong công tác nghiệp vụ để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng công an sẽ thực hiện nghiêm công tác chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan “tín dụng đen”; đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm kết luận đề nghị truy tố các đối tượng trong các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng den” để răn đe tội phạm.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành và các địa phương phải phối hợp với lực lượng công an triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Trần Danh

Tin xem nhiều