Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở các “nút thắt cổ chai” trên quốc lộ

Đăng Tùng
08:27, 30/09/2024

Thời gian gần đây, trên các quốc lộ đoạn qua địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) rất nghiêm trọng tại các giao lộ, cầu vượt đường bộ. Đáng nói, các vị trí xảy ra TNGT đều là các “nút thắt cổ chai” với không gian lưu thông hẹp, xe máy và xe ô tô phải đi chung làn với nhau dẫn tới va chạm.

Vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng giữa xe tải và xe máy tại ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) khiến 2 người trên xe máy tử vong chiều 27-9. Ảnh: Nhật Quang
Vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng giữa xe tải và xe máy tại ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) khiến 2 người trên xe máy tử vong chiều 27-9. Ảnh: Nhật Quang

Điều này đặt ra vấn đề cần phải có giải pháp mở rộng các đoạn giao nhau giữa quốc lộ với đường nhánh hoặc tách riêng làn xe máy với làn xe ô tô.

Những tai nạn thương tâm

Ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) là nút giao khác mức giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769, có cầu vượt đường bộ (cầu vượt ngã tư Dầu Giây) trên tuyến quốc lộ 1. Do là đầu mối giao thông lớn trên quốc lộ 1 nên nơi đây có lượng phương tiện rất đông vào khung giờ cao điểm mỗi ngày.

Tuy nhiên, ngã tư Dầu Giây tại vị trí giao giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 769 lại là điểm “thắt cổ chai” khi đường tỉnh 769 chỉ có 1 làn xe mỗi bên, quốc lộ 1 cũng chỉ có 2 làn xe (ngang bên hông cầu vượt). Do đó, khi xe ô tô từ quốc lộ 1 rẽ vào tuyến đường này rất dễ va chạm với các phương tiện nhỏ hơn.

Chiều 27-9, ngay tại nút giao ngã tư Dầu Giây, xe tải biển số 60C-506.44 khi rẽ từ quốc lộ 1 vào đường tỉnh 769 đã va chạm với xe máy biển số 60B4-007.03 khiến anh N.T.L. (40 tuổi) và chị Đ.T.K.H. (37 tuổi) tử vong tại chỗ.

Ông N.T.Q. (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) chỉ rõ, tại nút giao ngã tư Dầu Giây, đường tỉnh 769 quá chật, lại là lối đi vào Khu công nghiệp Dầu Giây hoặc xa hơn là đến hương lộ 10 về huyện Cẩm Mỹ hoặc quốc lộ 51 huyện Long Thành nên lượng xe lớn di chuyển rất đông. Khi các xe tải, xe đầu kéo đi từ quốc lộ 1, quốc lộ 20 vào nếu không chú ý quan sát rất dễ va chạm với xe máy tại các góc cua, đường nhánh.

Thực tế, trên các quốc lộ qua Đồng Nai có nhiều vị trí giao cắt với những đường nhánh, đường tỉnh tạo thành những vị trí “thắt cổ chai” rất nguy hiểm. Điển hình như: ngã tư Lộc An là nơi giao giữa quốc lộ 51 với đường tỉnh 769 (huyện Long Thành), ngã ba Phát Triển là nơi giao giữa quốc lộ 1 với đường Hoàng Văn Bổn (thành phố Biên Hòa), ngã ba Trị An là nơi giao giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 767 (huyện Trảng Bom)… Đáng nói, các đường nhánh này đều dẫn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mỏ vật liệu xây dựng nên liên tục có xe lớn ra vào, khiến các phương tiện nhỏ hơn luôn áp lực khi đi qua đây.

Không chỉ vậy, việc cho phép xe máy đi lên trên các cầu vượt đường bộ thuộc tuyến quốc lộ 1 (cầu vượt ngã tư Amata, cầu vượt ngã tư Dầu Giây) cũng làm tăng nguy cơ TNGT. Vì các cầu vượt này chỉ có 2 làn xe mỗi chiều nên xe máy phải lưu thông chung với xe ô tô lớn, dễ xảy ra va chạm.

Thực tế là vào sáng 13-3, xe tải biển số 60H-042.77 xảy ra va chạm với xe máy biển số 68G1-505.20 lưu thông cùng chiều trên cầu vượt ngã tư Amata (trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Biên Hòa). Hậu quả khiến 2 người trên xe máy là ông D.T. (46 tuổi) và bà T.T. (40 tuổi) tử vong tại chỗ.

Giữa tháng 9-2024, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương xác định nguyên nhân các vụ TNGT để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khuyến cáo bài học kinh nghiệm tới các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông. Rà soát đề xuất phương án xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, lưu ý cảnh báo nguy hiểm từ đường nhánh ra đường chính.

Mòn mỏi chờ mở “nút thắt”

Thực trạng trên đã đặt ra vấn đề cần điều chỉnh, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao lộ trên các quốc lộ và hạn chế việc xe máy đi chung làn với xe ô tô. Nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng quốc lộ 1 hoặc các nút giao trên quốc lộ 1; đồng thời bố trí dải phân cách giữa trên quốc lộ 20, dải phân cách biên toàn tuyến quốc lộ 51. Như vậy sẽ hạn chế nguy cơ TNGT do xe máy và xe ô tô đi chung làn hoặc đi quá sát nhau.

Theo Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu mở rộng quốc lộ 1 qua địa phận Đồng Nai và bố trí dải phân cách giữa trên quốc lộ 20 nhằm hạn chế va chạm giữa xe ô tô lớn với các phương tiện nhỏ.

Chủ tịch UBND phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) Lê Kim Hường đề xuất cần bố trí dải phân cách biên dọc toàn tuyến quốc lộ 51 để hạn chế việc xe ô tô chạy vào làn xe máy hoặc va chạm giữa xe ô tô và xe máy khi chạy gần nhau. Đặc biệt nên ưu tiên bố trí tại các giao lộ đã từng xảy ra TNGT chết người giữa xe ô tô và xe máy. Đây cũng là giải pháp được các ngành chức năng đề xuất, thực hiện và ghi nhận kết quả bước đầu.

Cụ thể là tại ngã ba Đường chuyên dùng vào cụm mỏ đá Tân Cang và ngã ba Sân golf Long Thành (đều trên quốc lộ 51, thuộc phường Phước Tân), các cơ quan chức năng đã bố trí dải phân cách biên tách riêng làn xe máy và ô tô, hạn chế tình trạng xe ô tô rẽ từ quốc lộ 51 vào đường nhánh va chạm với xe máy.

Hiện nay, Khu Quản lý đường bộ IV đang tiến hành các bước để bố trí dải phân cách biên trên quốc lộ 51 đoạn gần nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành). Đây là giải pháp để ngăn các tình huống va chạm giữa xe ô tô chuyển hướng từ quốc lộ lên đường cao tốc với xe máy đi thẳng trên quốc lộ này.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều