Những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) đã trở thành “địa chỉ tin cậy” của những người yếu thế trong xã hội (người già, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em…).
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Ảnh: A.Nhơn |
Nhiều trường hợp đã được đội ngũ trợ giúp viên pháp lý tận tình hỗ trợ, giúp cho quyền lợi của người dân được đảm bảo.
Tận tình trợ giúp pháp lý miễn phí cho dân
Một trong những vụ việc điển hình được trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền lợi thành công tại phiên tòa là trường hợp của C.H. (sinh tháng 11-2006, ngụ huyện Long Thành).
Cụ thể, thông qua mạng xã hội Facebook, H. quen biết và có tình cảm với K.N. (14 tuổi, ngụ huyện Long Thành). Trong thời gian tháng 2-2023, H. đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục nhiều lần với N. và được N. đồng ý. Đến đầu năm 2024, sự việc bị phát hiện và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. H. sau đó bị truy tố về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 7-2024, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đề xuất áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo H. từ 8-10 năm tù giam. Tuy nhiên, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã đưa ra nhiều luận cứ nhằm bào chữa cho bị cáo. Chẳng hạn, gia đình bị cáo H. đã tự nguyện bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe cho bị hại N. với số tiền 10 triệu đồng và gia đình bị hại đã có đơn xin bãi nại về dân sự, không yêu cầu bồi thường thêm bất kỳ khoản nào khác. Bị cáo H. phạm tội tại thời điểm mới hơn 16 tuổi và ít có sự hiểu biết về mặt pháp luật, cũng như nhận thức về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội bị hạn chế.
Gia đình bị cáo H. có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ đều là lao động nghèo. Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, từ trước đến nay chưa có tiền án, tiền sự. Hơn nữa, bị cáo đã thành thật khai báo toàn bộ sự việc, tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình…
Quan điểm của trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo H. phù hợp với nhận định của Hội đồng Xét xử Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh nên được chấp nhận. Do vậy, Hội đồng Xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo H. với mức án 7 năm tù giam.
Tháng 2-2023, N.Q.L. (sinh tháng 6-2006, quê tỉnh Bến Tre, tạm trú tại thành phố Biên Hòa) cùng 3 người bạn đi trên 2 chiếc xe máy dạo chơi. Khi ra đến quốc lộ 51 (đoạn gần Dốc 47, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), nhóm của L. nhìn thấy một phụ nữ đang ngồi trên xe máy, tay cầm chiếc điện thoại iPhone 11 trị giá hơn 11 triệu đồng. Thấy vậy, L. cùng người bạn đi chung xe rủ nhau cướp giật điện thoại của người phụ nữ này rồi chạy thoát thân. Sau khi về lại phòng trọ, nhóm của L. đem điện thoại đi bán với giá 2,5 triệu đồng, rồi chia nhau tiêu xài. Vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5-2024, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa đề xuất áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo L. từ 30-36 tháng tù giam về tội cướp giật tài sản theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra nhiều luận cứ bào chữa cho bị cáo L. như: bị cáo thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, trình độ học vấn 6/12 và sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế nên bị bạn bè lôi kéo, rủ rê phạm tội. Gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, cha làm thợ hồ, mẹ bán bánh tráng, cuộc sống rất vất vả nên bị cáo phải nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp kinh tế gia đình. Đặc biệt, bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải về những gì mà mình đã gây ra…
Hội đồng Xét xử TAND thành phố Biên Hòa cho rằng, quan điểm của trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo phù hợp nên được chấp nhận, Do vậy, Hội đồng Xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo L. 2 năm tù giam. Đây là mức án đã được xem xét thấu tình, đạt lý nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ bị cáo sửa chữa sai lầm, sớm có cơ hội hòa nhập cộng đồng, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Lan tỏa hoạt động trợ giúp pháp lý
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tiếp nhận 704 vụ việc được TGPL (tăng 169 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 605 vụ việc đã TGPL hoàn thành (tăng 156 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023). Điều đó cho thấy hoạt động TGPL ngày càng được lan tỏa và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tìm đến nhờ hỗ trợ, giúp đỡ.
Tăng cường giải pháp hiệu quả
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Minh Tuấn cho biết, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng được củng cố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư (cộng tác viên) tham gia tố tụng. Đồng thời, trung tâm không ngừng kiện toàn về tổ chức bộ máy, sắp xếp, phân công viên chức phù hợp với trình độ, năng lực công tác. Hoạt động TGPL nhờ đó tiếp tục đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác TGPL hiện còn gặp khó khăn. Nhận thức của người dân về TGPL còn hạn chế và chưa biết rõ về quyền lợi của mình. Nhiều trường hợp được giải thích về mục đích, ý nghĩa của hoạt động TGPL nhưng còn tâm lý e ngại và chưa tự mình hay nhờ người thân liên hệ với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, các chi nhánh trực thuộc trung tâm để yêu cầu TGPL. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp dân trong quá trình giải quyết công việc cho người dân chưa chủ động giới thiệu đối tượng được TGPL hoặc thông tin cho đối tượng được TGPL biết về quyền được TGPL và liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL.
Theo ông Lê Minh Tuấn, trước tình hình trên, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã đặt ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TGPL trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường trách nhiệm, vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và các đương sự khác về quyền được TGPL; xây dựng đội ngũ viên chức làm công tác TGPL đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Chú trọng đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức trong truyền thông để quảng bá sâu rộng hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin