Là tỉnh đông dân, có nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động nên Đồng Nai luôn chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo đó, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm đảm bảo an toàn PCCC, từ diễn tập PCCC quy mô lớn tại các doanh nghiệp (DN) đến các đợt diễn tập PCCC ở chợ, chung cư, trung tâm thương mại hay các buổi tuyên truyền, tập huấn về PCCC đến tận khu dân cư.
Để tiếp tục lan tỏa tinh thần cảnh giác cháy đến người dân, các DN, thời gian tới, công tác phòng cháy cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Bởi nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn cao, đến từ sự lơ là trong công tác PCCC của một số DN cũng như sự bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt, điện của người dân. Trước hết, vẫn cần chú trọng tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở; các tổ liên gia an toàn PCCC ở các phường, xã.
Tiếp đến là tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa quan trọng của công tác phòng cháy, nhất là trong các DN, cơ sở sản xuất hàng hóa dễ cháy, nổ như: gỗ, sơn, vải, giày da... Bởi, nhân viên của các DN nếu không biết cách ứng phó với tình huống nguy hiểm, không được đào tạo đầy đủ về phòng ngừa cháy, nổ hoặc không tuân thủ quy tắc an toàn trong quá trình làm việc có thể tạo ra tình huống cháy, nổ. Khi xảy ra cháy, công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả rất khó lường. Do đó, cuối năm, dù các DN tất bật sản xuất để kịp các đơn hàng cũng phải chú trọng công tác phòng cháy, tránh những sự cố cháy đáng tiếc xảy ra.
Tương tự, việc tuyên truyền công tác phòng cháy cho người dân cũng quan trọng không kém, nhất là cháy do điện, gas, đốt cỏ rác thiếu kiểm soát... Nội dung tuyên truyền cần giúp người dân biết các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ cháy, nổ; nắm chắc kỹ năng, xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra để hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản nếu không may xảy ra cháy, nổ.
Song song đó, để phòng cháy hiệu quả, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn PCCC cần được tăng cường trong các DN và cơ sở sản xuất, kinh doanh ở trong khu dân cư. Để thực hiện công tác này, ngoài trách nhiệm của lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, còn có vai trò của UBND các phường, xã. Muốn công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn PCCC tại phường, xã đạt hiệu quả, cần sự quyết liệt của người đứng đầu trong việc xử lý các trường hợp vi phạm an toàn PCCC; cũng như đòi hỏi lực lượng làm công tác này phải nắm chắc các quy định, kỹ năng an toàn PCCC để hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân hiểu, luôn đề cao cảnh giác với cháy, nổ; ngăn ngừa hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin