Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao trách nhiệm trong giải quyết án hành chính

Tố Tâm
09:01, 20/11/2024

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, mặc dù ngành tòa án đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác giải quyết án hành chính nhưng tỷ lệ giải quyết án hành chính vẫn chưa cao và còn nhiều hạn chế.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án hành chính. Ảnh: T.Tâm
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án hành chính. Ảnh: T.Tâm

Nguyên nhân được xác định là do số lượng án tăng cao, trong khi nhân sự mỏng; đa số án hành chính đều rất phức tạp, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai; quá trình cung cấp thông tin của cơ quan chức năng còn chậm…

Nhiều vụ án phức tạp

Theo TAND tỉnh, án hành chính khiếu kiện thường liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau và rất phức tạp, trong đó chiếm phần lớn là các vụ khiếu kiện về đất đai. Nổi lên là việc khiếu kiện hành chính do việc thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Điển hình như bà M.L. (54 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ) khởi kiện UBND huyện Cẩm Mỹ về quyết định bồi thường hỗ trợ do thu hồi đất. Theo trình bày của bà L., để xây dựng Dự án Thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn qua huyện Cẩm Mỹ, gia đình bà bị thu hồi diện tích đất gần 6 ngàn m2. Nếu thu hồi đúng quy định thì quyết định thu hồi phải được ban hành sau tháng 1-2020 và giá đất gia đình bà được áp dụng cao hơn giá đất thu hồi năm 2019.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Cẩm Mỹ, việc thu hồi đất và giải quyết bồi thường hỗ trợ cho gia đình bà L. là đúng theo quy định pháp luật và không đồng ý với yêu cầu của người khởi kiện. Sau khi xem xét hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường cho gia đình bà L., tòa án xác định quyết định bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất đối với hộ gia đình bà L. là đúng quy định, trình tự. Do đó, vào tháng 8-2024, TAND tỉnh đã bác yêu cầu khởi kiện của bà L. về việc yêu cầu hủy các quyết định hành chính của UBND huyện.

Bên cạnh đó, cũng có một số vụ việc do cơ quan chức năng có sai sót trong quá trình xác định thửa đất nên cấp đất sai vị trí cho người dân. Đơn cử, đơn khởi kiện của vợ chồng ông P.X.L. (64 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) cho hay, vào năm 2003, vợ chồng ông có mua bằng giấy viết tay diện tích đất hơn 4,2 ngàn m2 tại huyện Vĩnh Cửu. Sau khi mua đất, ông bà đã sinh sống ổn định trên đất, không có tranh chấp. Đến năm 2005, ông bà thực hiện thủ tục đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) và đã có giấy biên nhận nhưng mãi đến năm 2021 thì ông bà vẫn không được cấp “sổ đỏ”. Sau khi tìm hiểu thì được biết, thửa đất của ông bà đang sống đã được cấp cho ông T.V.N. (62 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa). Sau đó, ông N. đã chuyển nhượng thửa đất cho ông Q.T. (51 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu).

Sau khi phát hiện thửa đất của vợ chồng đã được cấp cho người khác, vợ chồng ông L. đã khởi kiện ở TAND tỉnh. Quá trình thu thập hồ sơ, TAND tỉnh xác định, việc Sở Tài nguyên và môi trường cấp giấy CNQSDĐ cho ông Q.T. là sai vị trí và không đúng đối tượng sử dụng do cán bộ phụ trách chuyên môn có sự nhầm lẫn giữa 2 tờ bản đồ. Do đó, vào tháng 4-2024, TAND tỉnh đã tuyên hủy giấy CNQSDĐ do Sở Tài nguyên và môi trường cấp cho ông Q.T. với diện tích hơn 4,3 ngàn m2 tại huyện Vĩnh Cửu. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm có biện pháp khắc phục những sai sót nêu trên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự có liên quan trong vụ án.

Tính từ tháng 10-2023 đến 10- 2024, TAND 2 cấp Đồng Nai đã giải quyết gần 180 vụ/hơn 400 vụ án hành chính đã thụ lý. Trong đó, án thụ lý có hơn 390 vụ thụ lý theo trình tự sơ thẩm và gần 10 vụ theo trình tự phúc thẩm.

Tăng cường công tác phối hợp

Theo Chánh Văn phòng TAND tỉnh, thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, thời gian qua, án dân sự nói chung và án hành chính nói riêng đều tăng theo từng năm. Trong đó, án hành chính hầu hết đều liên quan đến đất đai. Trong số gần 400 vụ khiếu kiện hành chính thì có hơn 350 vụ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy CNQSDĐ; gia hạn thời hạn sử dụng đất (chiếm hơn 88%). Bên cạnh đó, có một số vụ khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng thuế, thu thuế, truy thu thuế.

Cũng theo TAND tỉnh, việc giải quyết án hành chính gặp nhiều khó khăn bởi liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều quy phạm pháp luật khác nhau.

Bên cạnh đó, việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện, như UBND hoặc các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn; việc trả lời thông báo thụ lý vụ án của TAND và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án rất chậm. Thậm chí, có nhiều vụ án đã lâu nhưng người bị kiện vẫn chưa có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện và chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan cho tòa án. Mặc khác, người bị kiện thường ít khi trực tiếp tham gia tố tụng, không trả lời ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện nên tòa án thường khó tiến hành đối thoại…

Do đó, để “gỡ khó” trong việc giải quyết các loại án nói chung và án hành chính nói riêng, ngành tòa án sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn TAND các cấp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký, hội thẩm nhân dân… để thực hiện tốt công tác chuyên môn; kiến nghị, đề xuất khắc phục những thiếu sót trong quản lý, kinh tế - xã hội, góp phần hạn chế những khó khăn do yếu tố đặc thù địa phương.

Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tòa án 2 cấp phải xem công tác giải quyết vụ việc là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các thẩm phán, thư ký được giao giải quyết vụ án; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, thư ký trong từng vụ án cụ thể. Mặc khác, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn khác như: Sở Tài nguyên và môi trường, cơ quan thẩm định, định giá, giám định… để thu thập chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án.

Tố Tâm

Tin xem nhiều