Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tòa giả định trong trường học: Cách tuyên truyền thiết thực, hiệu quả

An Nhơn
08:33, 10/04/2025

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, trong đó có áp dụng Phiên tòa giả định (PTGĐ) trong trường học.

ADVERTISEMENT

Trường đại học Công nghệ Miền Đông (đóng tại huyện Thống Nhất) vừa chủ trì tổ chức Phiên tòa giả định xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: CTV
Trường đại học Công nghệ Miền Đông (đóng tại huyện Thống Nhất) vừa chủ trì tổ chức Phiên tòa giả định xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: CTV

Đây là hình thức PBGDPL mang tính trực quan, sinh động, giúp học sinh, sinh viên tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật ngày càng tốt hơn.

Tạo sân chơi pháp lý bổ ích

ADVERTISEMENT

Cuối tháng 3-2025, Trường đại học Công nghệ Miền Đông phối hợp với Huyện đoàn Cẩm Mỹ và Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) tổ chức PTGĐ xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Phiên tòa đã tái hiện những hình ảnh trực quan sinh động của một vụ án liên quan đến ma túy, qua đó giúp người tham dự hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật, hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng và buôn bán ma túy

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế - quản trị - luật (Trường đại học Công nghệ Miền Đông, huyện Thống Nhất), cho biết phiên tòa đã khắc họa rõ các hình phạt nghiêm khắc mà pháp luật quy định, mang đến góc nhìn chân thực về quy trình xét xử. Bản án được tuyên là một bài học đắt giá, nhấn mạnh rằng, pháp luật không khoan nhượng với những hành vi vi phạm; đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ là “một phút lầm lỡ có thể đánh đổi cả tương lai”.

ADVERTISEMENT

Anh Đặng Minh Phương (sinh viên ngành luật kinh tế, Trường đại học Công nghệ Miền Đông) chia sẻ: “PTGĐ còn là sân chơi pháp lý bổ ích, mang lại nhiều giá trị giáo dục quan trọng, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, cũng như những hậu quả nặng nề do hành vi mua bán trái phép chất ma túy gây ra, từ đó cần tránh xa tệ nạn này”.

Thời gian qua, nhiều trường học đóng trên địa bàn tỉnh (Trường đại học Đồng Nai, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai…) thường xuyên tuyên truyền, PBGDPL với những hình thức đa dạng và thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham dự. Các đơn vị đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình PBGDPL cho học sinh, sinh viên đạt hiệu quả cao.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Thống Nhất Nguyễn Phạm Phi Vân cho rằng, thay vì tuyên truyền bằng việc trích dẫn điều luật khô khan thì qua PTGĐ đã làm “mềm hóa” các quy định và đưa lên thành câu chuyện có kịch tính và giải quyết những mâu thuẫn đó với góc độ vai diễn ở PTGĐ. Cách tuyên truyền này thường cuốn hút người xem và mang lại hiệu quả cao. 

Tương tự, theo Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Định Quán Phạm Trung Tín, PTGĐ là kênh giáo dục có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối với tất cả các đối tượng được phổ biến. Để phát huy tính hiệu quả của PTGĐ, Phòng Tư pháp huyện Định Quán trong thời gian qua đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đến người dân bằng hình thức này.

Đặc biệt, Phòng Tư pháp huyện Định Quán đã phối hợp tổ chức PTGĐ với nhiều chuyên đề thiết thực, gần gũi với lứa tuổi thanh, thiếu niên như: trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự, an toàn giao thông đường bộ, tác hại của ma túy… Nhờ cách tuyên truyền này đã giúp người dân dễ hiểu và nhớ lâu những kiến thức pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngày càng tốt hơn.

Phát huy hiệu quả phiên tòa giả định

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Phùng Thị Phương Thảo cho hay, Tỉnh đoàn xác định PTGĐ là một trong những hình thức tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả. Cho nên, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã chủ trì phối hợp tổ chức nhiều PTGĐ hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong năm 2024 đã tổ chức PTGĐ tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho khoảng 300 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai và cán bộ Đoàn, đoàn viên Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp. Tổ chức PTGĐ tuyên truyền Luật An ninh mạng năm 2018 cho 300 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn huyện Thống Nhất. Tổ chức PTGĐ tuyên truyền phòng, chống ma túy cho khoảng 300 cán bộ Đoàn, đoàn viên, học sinh Trường trung học phổ thông Nam Hà và Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh…

“Mỗi PTGĐ đều được Ban tổ chức dành nhiều thời gian trao đổi các câu hỏi liên quan nội dung tình huống giả định của phiên tòa, đồng thời lồng ghép tuyên truyền các quy định pháp luật cũng như chia sẻ kỹ năng phòng, chống ma túy, bạo lực học đường, lừa đảo trên không gian mạng... Cách làm này đã tạo không khí phấn khởi và thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, giúp cho công tác tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả cao” - bà Thảo chia sẻ.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, với vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, những năm qua, Sở Tư pháp thường khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện đa dạng các mô hình (trong đó có PTGĐ) nhằm tạo sự lan tỏa và đưa pháp luật đến gần với người dân hơn. Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL bằng sân khấu hóa với một số quy định gần gũi với người dân như: giao thông đường bộ; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy, thuốc lá… Nhờ đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học đã đạt nhiều kết quả tích cực.

         An Nhơn

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT