Khi tham gia quan hệ lao động, không ít người lao động (NLĐ) vẫn chưa nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình khi giao kết hợp đồng học nghề, tập nghề, thử việc.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho người lao động về pháp luật lao động. Ảnh minh họa: Đ.Phú |
Chính vì vậy, khi phát sinh tranh chấp lao động, NLĐ lúng túng trong việc giải quyết, thua thiệt bởi những gì đã giao kết với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trước đó.
Người lao động mong được gỡ rối
Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn không bắt buộc NSDLĐ và NLĐ trước khi giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) chính thức (có thời hạn hoặc không có thời hạn) phải giao kết hợp đồng thử việc, học nghề, tập nghề. Tuy vậy, trong thực tiễn khi bắt đầu quan hệ lao động, NSDLĐ thường yêu cầu NLĐ giao kết hợp đồng thử việc, học nghề, tập nghề với nhiều ràng buộc như: thử việc phải đạt yêu cầu, bồi thường chi phí đào tạo nếu không thực hiện đúng cam kết. Điều này dễ dẫn tới việc NLĐ cho rằng, họ bị phụ thuộc, đối xử không bình đẳng trong quan hệ lao động.
Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý, pháp luật về lao động không bắt buộc NSDLĐ và NLĐ phải nhất thiết ký HĐLĐ sau khi thử việc, đào tạo nghề không đạt. Đây cũng là kẽ hở để NSDLĐ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NLĐ để không trả lương, hoặc trả lương dưới mức quy định, hoặc trả lương thấp, phụ cấp học nghề ít ỏi, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tiến hành thải loại NLĐ, tiếp tục tuyển đợt khác vào làm việc dưới hình thức học nghề, thử việc. |
Chị Liêu Thị Hạnh (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) cho biết, chị được Công ty X (trụ sở tại xã Phú Cường, huyện Định Quán) yêu cầu thử việc 6 ngày đối với công việc cắt chỉ (công việc giản đơn). Sau 6 ngày thử việc chị được Công ty X thông báo không đạt yêu cầu, do đó chị cần phải tiếp tục thử việc một thời gian nữa, hoặc buộc phải giao kết hợp đồng đào tạo tập việc, học nghề chứ không ký HĐLĐ. Chị Hạnh thắc mắc, công ty làm như vậy có đúng hay không?
Còn anh Huỳnh Mạnh Tuấn (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) cho biết, do anh không có tay nghề nên khi xin việc, anh được NSDLĐ yêu cầu học nghề và đôi bên giao kết hợp đồng đào tạo 2 tháng đối với công nhân may, đồng thời trong hợp đồng đào tạo có ràng buộc nếu sau khi học nghề xong anh không làm việc cho NSDLĐ ít nhất 6 tháng thì phải bồi thường kinh phí học nghề.
“Nghịch lý là sau khi học nghề 2 tháng, dù tôi rất muốn được NSDLĐ ký HĐLĐ nhưng vẫn không được NSDLĐ chấp nhận vì lý do, tôi không đạt yêu cầu để tuyển dụng sau học nghề. Vậy tôi có bị NSDLĐ yêu cầu bồi thường tiền học nghề không?”- anh Tuấn hỏi.
Căn cứ vào nội dung cam kết thử việc, học nghề
Theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trước khi nhận NLĐ vào làm việc thì NSDLĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ.
Còn tại khoản 1, Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Bên cạnh đó, tại Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, học nghề để làm việc cho NSDLĐ là việc NSDLĐ tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Tập nghề để làm việc cho NSDLĐ là việc NSDLĐ tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 3 tháng. NSDLĐ tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Trên cơ sở đó, vấn đề chị Liêu Thị Hạnh thắc mắc, được luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) giải đáp như sau: việc NSDLĐ yêu cầu chị Hạnh tiếp tục thử việc lần 2 trên cùng 1 công việc sau khi kết thúc thử việc lần thứ nhất không đạt yêu cầu là vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ.
Cụ thể, theo điểm a, khoản 2, Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt từ 2-5 triệu đồng đối với NSDLĐ yêu cầu NLĐ thử việc quá 1 lần đối với 1 công việc; thử việc quá thời gian quy định.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, do pháp luật không cấm, không chế tài NSDLĐ khi tuyển NLĐ vào học nghề, tập nghề thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm sau khi thử việc không đạt. Do đó, chị Hạnh có quyền từ chối khi NSDLĐ đưa ra yêu cầu tiếp tục thử việc lần 2 trên cùng 1 công việc sau khi kết thúc thử việc lần thứ nhất.
Riêng trường hợp anh Tuấn, theo luật sư Nguyễn Văn Hòa, do anh không đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn theo hợp đồng đào tạo nghề mà anh đã giao kết với NSDLĐ sau đào tạo, nên NSDLĐ có quyền từ chối giao kết HĐLĐ sau khi kết thúc thời gian học nghề, tập việc. Đồng thời, do NSDLĐ không ký HĐLĐ cho anh sau học nghề, tập nghề không đạt, chứ không phải anh không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đào tạo nghề nên anh không phải bồi thường.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin