
Mấy năm gần đây, một số người dân thường rỉ tai nhau về đường dây chuyên cung cấp các loại hồ sơ xin việc, giấy khám sức khỏe, bản sao bằng cấp giả với giá khá "mềm" trên địa bàn phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Do là lĩnh vực "làm ăn" màu mỡ nên đường dây này bị triệt phá thì có đường dây khác mọc lên.
Mấy năm gần đây, một số người dân thường rỉ tai nhau về đường dây chuyên cung cấp các loại hồ sơ xin việc, giấy khám sức khỏe, bản sao bằng cấp giả với giá khá "mềm" trên địa bàn phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Do là lĩnh vực "làm ăn" màu mỡ nên đường dây này bị triệt phá thì có đường dây khác mọc lên.
ADVERTISEMENT
Với những người lao động từ miền Trung, miền Bắc đến Biên Hòa xin việc, việc trục trặc về hồ sơ dù nhỏ nhặt mà phải quay về quê nhà để chỉnh sửa thì rất bất tiện nên họ sẵn sàng chi ra một khoản tiền vài trăm ngàn đồng nhờ "cò" làm cho bộ hồ sơ giả. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng làm giấy tờ giả lợi dụng để trục lợi. Qua điều tra, cơ quan công an đã làm rõ và chặt đứt nhiều đường dây làm giả giấy tờ kiểu này, nhiều đối tượng đã phải vào tù lãnh án. Tuy vậy, những đường dây làm ăn phi pháp này vẫn lén lút hoạt động.
ADVERTISEMENT
Vào năm 2006, Công an TP.Biên Hòa đã triệt phá đường dây làm giả hồ sơ xin việc của Nguyễn Cảnh Cường (ngụ ở ấp 4, xã An Hòa, huyện Long Thành) và đồng bọn tại phường Long Bình. Cường cho mở 2 cửa tiệm photocopy giấy tờ tại KP3 và KP7, phường Long Bình nhằm che giấu hoạt động mua bán hồ sơ giả cho người lao động. Tại các điểm photocopy, Cường thuê mướn nhân viên trông coi với lương tháng một triệu đồng/người nhưng lại buộc những người này phải ra sức móc nối, tìm nguồn tiêu thụ hồ sơ giả. Qua thời gian theo dõi, công an đã bắt quả tang Cường cùng đồng bọn đang bán hồ sơ xin việc giả cho người mua. Khám xét nơi ở và 2 tiệm photocopy của Cường, công an thu giữ hàng chục con dấu giả các cơ quan nhà nước như: dấu tròn ghi Trung tâm y tế Biên Hòa, dấu tròn khắc chữ Công an xã Phước Tân (huyện Long Thành), 15 dấu vuông các loại ghi tên bác sĩ, trưởng công an, dấu chức danh; chứng nhận sức khỏe loại 1, 2 cùng hàng trăm giấy tờ được đóng dấu khống, chữ ký giả... Với những "đồ nghề" này, Cường và đồng bọn tạo ra hàng trăm bộ hồ sơ xin việc giả như thật để bán cho người lao động, thu lợi 250.000 đồng/hồ sơ. Trước đó không lâu, cũng tại phường Long Bình, Công an Biên Hòa triệt phá đường dây làm giả hồ sơ, bằng cấp giả do Lê Văn Tường (ngụ ở KP5, phường Long Bình) thực hiện. Tuy không dùng con dấu giả nhưng Tường có "kỹ thuật" cạo sửa, photocopy chèn ép y như thật bản sao chứng thực các loại giấy tờ như: sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp phổ thông, sơ yếu lý lịch... để bán cho người lao động.
ADVERTISEMENT
Cũng làm giả giấy tờ như Tường và Cường, nhưng băng nhóm làm giả bằng tốt nghiệp THPT của Lê Trần Thanh (chủ một cơ sở in tại KP7, phường Long Bình) mà Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đưa ra xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2008 có hẳn một "quy trình sản xuất" hoàn chỉnh. Thanh tiến hành làm giả bằng tốt nghiệp bằng cách dùng máy vi tính để chế âm bản, tạo ra khung và hình nền rồi sử dụng kỹ thuật in lụa để in thành phôi bằng tốt nghiệp. Tiếp theo, Thanh chế âm bản tạo ra dấu mộc với nội dung ngày tháng năm sinh, hội đồng thi, năm tốt nghiệp... và đem in lụa lên phôi bằng có tên họ thí sinh đầy đủ. Sau đó, Thanh tạo âm bản dấu mộc và dùng bút bi hết mực viết đè lên bằng, tạo ra dấu nổi của các Sở Giáo dục - đào tạo Đồng Nai, rồi dùng bút mực viết giả chữ ký tạo ra một bằng tốt nghiệp hoàn chỉnh mà người không có chuyên môn khó thể phát hiện là giả. Với kỹ thuật làm giả "điêu luyện", Thanh đã móc nối với thầy giáo Trần Văn Đính (quê quán ở tỉnh Gia Lai) và Trần Đức Hùng (nguyên cán bộ UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) nhận đơn đặt hàng làm bằng tốt nghiệp giả của hàng loạt cán bộ xã Vĩnh Thịnh với giá 2,3 triệu đồng/bằng. Sự việc chỉ bị bại lộ khi Công an tỉnh Bình Định tiến hành điều tra hành vi sử dụng bằng giả của những cán bộ xã này và lần ra nguồn cung cấp nên bắt giữ Thanh, Đính và Hùng giao cơ quan chức năng ở TP.Biên Hòa xử lý.
Tuy nhiên, so với những đường dây làm hồ sơ giả của các đối tượng trên, đường dây của Nguyễn Thị Thanh Thủy vừa bị công an triệt phá vào ngày 30-10 vừa qua thực sự là "đầu mối" chuyên phát hành, cung cấp với số lượng lớn cho người bán lẻ, cò mồi các loại giấy tờ giả. Khi kiểm tra đột xuất cửa tiệm kinh doanh photocopy của Thủy tại số 462, KP5, phường Long Bình, công an phát hiện nơi đây lưu trữ gần 2.000 giấy tờ, bằng cấp giả các loại.
Phạm Mai
Kỳ sau: Lộ diện "tổng đại lý"