Mới đây UBND xã Phú Bình đã phát hiện hàng chục đối tượng không phải là hộ nghèo nhưng lại có tên trong danh sách thuộc diện này được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Phú. Đáng nói hơn, trong số đó có nhiều người là... cán bộ xã, ấp và thân nhân của họ.
Mới đây UBND xã Phú Bình đã phát hiện hàng chục đối tượng không phải là hộ nghèo nhưng lại có tên trong danh sách thuộc diện này được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Phú. Đáng nói hơn, trong số đó có nhiều người là... cán bộ xã, ấp và thân nhân của họ.
ADVERTISEMENT
Để người nghèo được vay vốn ưu đãi, NHCSXH huyện Tân Phú thông qua UBND xã Phú Bình ủy thác cho Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã lập hồ sơ xét duyệt. Trên cơ sở này, UBND xã Phú Bình ký xác nhận và ngân hàng sẽ cho vay vốn. Mỗi hộ được vay tối đa 20 triệu đồng trong thời hạn 3 năm với lãi suất thấp. Qua đó, hàng trăm hộ nghèo ở xã Phú Bình đã được vay vốn để đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên, dư luận ở Phú Bình tỏ ra rất bức xúc vì trong số những hộ được đưa vào danh sách vay vốn ưu đãi lại không phải là... hộ nghèo. Nhận được phản ảnh, UBND xã Phú Bình cho kiểm tra và đã phát hiện có đến 62 trường hợp không phải hộ nghèo nhưng lại được các tổ xét vay vốn đưa vào danh sách hộ nghèo trong năm 2007 và sáu tháng đầu năm 2008 với tổng số tiền vay trên 700 triệu đồng. Trong số đó, có 23 trường hợp là cán bộ xã, ấp và người thân của cán bộ, như: bà Nguyễn Thị Nở, cán bộ xã Phú Bình vay 20 triệu; ông Vũ Công Khương, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã vay 20 triệu và vợ của 6 trưởng, phó ấp, mặt trận ấp; vợ hoặc chồng của một số cán bộ UBND, đoàn thể xã. Có trường hợp một cán bộ xã có 2 con đứng tên vay được 40 triệu đồng.
ADVERTISEMENT
"Hào phóng" nhất trong khâu xét duyệt vay vốn là ở ấp Phú Hợp B, khi có đến 31 hộ "ngoài luồng" được vay đến 339 triệu đồng. Ở ấp này có 2 tổ xét duyệt, thì tổ do bà Nguyễn Thị Ngọc làm tổ trưởng xét cho vay sai đối tượng đến 27 trường hợp. Khi lộ ra chuyện cho vay sai đối tượng, một số hộ được vay vốn phản ánh bà Ngọc từng yêu cầu chi tiền "hồ sơ" 10%. Bước đầu, UBND xã Phú Bình đã làm rõ việc bà Ngọc thu tiền "hồ sơ" của 6 người là 7.350.000 đồng.
ADVERTISEMENT
Ông Trần Phước Nguyên, Chủ tịch UBND xã Phú Bình cho biết: "Việc xét duyệt cho các hộ nghèo vay vốn trên địa bàn là do Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã ký nhận ủy thác với ngân hàng trong việc cho vay, quản lý, theo dõi tình hình sử dụng vốn. Các Hội nhận ủy thác phân công các ấp, các tổ chịu trách nhiệm lập danh sách các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Khâu xét duyệt do các tổ nhận ủy thác thực hiện, UBND xã chỉ ký chuyển ngân hàng chính sách cho vay và giải ngân".
Theo UBND xã Phú Bình, nguyên nhân để xảy ra tình trạng cho vay không đúng đối tượng là do các đoàn thể nhận ủy thác đã không thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của ngân hàng chính sách. Cụ thể như không thực hiện quy trình xét cho vay, không họp tổ bình xét đối tượng cho vay, không phối hợp với các tổ khi xét, lập hồ sơ đề nghị cho vay, buông lỏng công tác kiểm tra dẫn đến đề nghị cho vay không đúng đối tượng và cả có tiêu cực khi lập hồ sơ đề nghị vay vốn. Xử lý sai phạm trong việc cho vay sai đối tượng xảy ra ở xã Phú Bình, UBND huyện Tân Phú đã ra quyết định thu hồi vốn vay ngân hàng chính sách đối với những trường hợp không đúng đối tượng. Tuy nhiên, thực tế thì việc thu hồi ngay sẽ không dễ khi mà các hộ vay đều đã đầu tư vốn vào sản xuất.
Mạnh Thắng