Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa có quy định bắt buộc mặc áo phao khi đi đò!

09:03, 06/03/2009

Việc mặc áo phao khi đi đò, phà vẫn chưa được pháp luật quy định bắt buộc nên hiện nay chỉ mới dừng ở mức vận động thực hiện.

Việc mặc áo phao khi đi đò, phà vẫn chưa được pháp luật quy định bắt buộc nên hiện nay chỉ mới dừng ở mức vận động thực hiện.

ADVERTISEMENT

Chiếc đò ngang Hiếu Liêm - Trị An bị gãy một nửa lan can trái và hành khách đi đò này vẫn không mặc áo phao dù nước sông chảy xiết vì hồ Trị An xả nước.

Chúng tôi đã đi thực tế ở một số nơi có nhiều bến đò ngang để ghi nhận tình hình mặc áo phao của người đi đò, phà. Có thể thấy, người đi đò, phà ít chịu mặc áo phao dù được chủ đò, lái đò nhắc nhở. Ông Trần Văn Hô, chủ đò ở bến Bình Thới (xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu) cho biết, ông rất muốn người đi đò mặc áo phao vì nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì sẽ bảo vệ hành khách được an toàn hơn. Thế nhưng, người đi đò chỉ chịu mặc áo phao khi có Cảnh sát giao thông hoặc Thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra. Cũng có trường hợp, lái đò ngại nhắc nhở hành khách mặc áo phao như ở bến đò Hiếu Liêm, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) mà chúng tôi đã chứng kiến. Tại đây, đò xuất bến nhưng không có một người nào, kể cả tài công, chủ đò và hành khách mặc áo phao. Thế nhưng, khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp thì người lái đò liền chửi đổng và vội giục phụ lái phát vội áo phao cho hành khách. Cũng có trường hợp, người sang sông không được mặc áo phao vì chủ quan cho rằng mình đi phương tiện lớn như ở bến đò Lạc An (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) nên cũng an toàn. Ở đây chủ đò đã đầu tư hẳn một chiếc phà có thể chở được xe tải nhẹ, nhưng trên phà không thấy trang bị áo phao mà chỉ có vài phao cứu sinh.

Cách đó không xa, tại ấp 1 có một bến đò mà phương tiện đưa khách sang sông là 2 chiếc ghe xập xệ ghép vào nhau. Mỗi lần có người hoặc xe máy lên xuống là chiếc đò ghép này lại rung rinh và kêu cót két liên hồi, vậy mà người đi đò cũng chẳng ai được phát áo phao. Chính quyền xã này có biết tình trạng mất an toàn ở bến đò này không?

Tình trạng người đi đò không mặc áo phao xảy ra khá phổ biến.

ADVERTISEMENT

Ở huyện Vĩnh Cửu có khoảng 11 bến đò ngang, đa số đều chỉ có phép hoạt động bến ở phía tỉnh Bình Dương (chưa có phép ở phía tỉnh Đồng Nai). Có lẽ vì vậy nên việc quản lý bến đò trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu chưa được chặt chẽ?

Ở huyện Long Thành, có bến đò ngang từ xã Long Hưng qua quận 9, (TP.Hồ Chí Minh) nguy hiểm, vì đoạn sông nơi đây rất rộng và có khá nhiều tàu lớn qua lại. Thế nhưng, ở bến đò này việc mặc áo phao cũng tùy hứng theo ý của hành khách. Anh Lê Đức Tài, thường đi đòđây cho biết, buổi chiều hay có gió to, sóng lớn hoặc khi có nhiều tàu lớn qua lại khiến con đò phải lách tránh rất nguy hiểm, nhưng rất ít người đi đò chịu mặc áo phao.

ADVERTISEMENT

Ở các bến đò ngang tại TP.Biên Hòa, tình hình cũng diễn ra tương tự. Ông Nguyễn Văn Xê, chủ bến đò Xóm Lá (Tân Hạnh - Bửu Long) cho biết, giá mỗi chiếc áo phao chỉ có 50.000 đồng nên chủ đò luôn trang bị đầy đủ. Nhưng chủ đò nhắc nhở hoài mà hành khách không mặc thì cũng đành chịu!

Đồng Nai hiện có trên 30 bến phà, bến đò ngang, ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa.

Ông Dương Danh Quí, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, việc mặc áo phao khi đi đò, phà chưa được qui định trong văn bản luật (chỉ có bắt buộc phương tiện thủy phải trang bị phao cứu sinh) nên chưa thể xử phạt chủ phương tiện và hành khách. Do vậy, Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ tăng cường công tác tuyên truyền để hành khách mỗi khi sang sông cần tự giác mặc áo phao để bảo vệ mình. Song, về lâu dài các nhà làm luật nên nghiên cứu đưa thêm quy định còn thiếu này vào để nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Thanh Toàn

 

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT