Theo thống kê của Công an TP.Biên Hòa, từ tháng 12-2010 đến ngày 20-5-2011, trên địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra 93 vụ cố ý gây thương tích. Hầu hết các đối tượng tham gia gây án đều sử dụng hung khí như dao, mã tấu... để đánh, chém người khác, bất chấp hậu quả có thể xảy ra.
Theo thống kê của Công an TP.Biên Hòa, từ tháng 12-2010 đến ngày 20-5-2011, trên địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra 93 vụ cố ý gây thương tích. Hầu hết các đối tượng tham gia gây án đều sử dụng hung khí như dao, mã tấu... để đánh, chém người khác, bất chấp hậu quả có thể xảy ra.
* Đụng đến là đánh, chém
Khoảng 20 giờ ngày 25-5, Nguyễn Hiếu Huy Vũ (SN 1983, ngụ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cùng với 3 người bạn đến một quán lẩu ở KP3, phường Trảng Dài nhậu thì gặp nhóm của Hùng "Ba số" (chưa rõ lai lịch) đang ngồi nhậu tại đây. Trong lúc ăn nhậu, hai nhóm của Vũ và Hùng "Ba số" phát sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Hậu quả, Vũ bị một người trong nhóm của Hùng đâm vào bụng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Cũng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ mà các đối tượng: Dương Đức Kỳ (SN 1992), Thái Minh Hiếu (SN 1995), Trần Hùng Cường (SN 1994) và Phan Minh Phúc (SN 1994), đều ngụ tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, đã bị công an bắt về hành vi cố ý gây thương tích. Ngày
Điều đáng quan tâm là xu hướng hành xử với nhau bằng bạo lực đã lan sang lứa tuổi học sinh, gây không ít lo ngại cho xã hội. Chiều 17-5, trong lúc các em: Phạm Khánh Duy, Phạm Ngọc Tâm, Võ Thanh Phú, Lê Anh (đều là học sinh lớp 8 của Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) đạp xe từ trường về đến khu vực phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) thì bị 3 thanh niên đi xe máy ép xe vào con hẻm, dùng mã tấu chém tới tấp. Bị tấn công, Duy chỉ kịp dùng tay chống đỡ rồi bỏ chạy. Trước khi tẩu thoát, 3 thanh niên này cũng chém các em Phú, Tâm gây thương tích...
* Làm gì để hạn chế bạo lực ở giới trẻ?
Một cán bộ công an từng thụ lý điều tra nhiều vụ án cố ý gây thương tích cho biết, rất nhiều bị can trong các vụ đánh chém nhau bằng hung khí đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Cái cách mà những đối tượng này thường dùng để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống đều bằng bạo lực. Khi được công an hỏi về hành vi phạm tội của mình, những đối tượng này thường trình bày sự việc một cách rất tự nhiên, mà ít có thái độ ân hận, sợ sệt.
Một cán bộ Công an TP.Biên Hòa cho biết: "Hầu hết các vụ án về hành vi cố ý gây thương tích đều xuất phát từ những mâu thuẫn ở trong dân. Việc phát hiện kịp thời để giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp không chỉ là trách nhiệm của công an mà cần có sự giúp sức của các cấp, ngành và các tổ chức xã hội khác". Theo vị cán bộ này, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hiện nay, đặc biệt là các hành vi mang tính chất côn đồ, như: đâm, chém, cướp tài sản..., có sự ảnh hưởng không ít từ những hành vi trong các game bạo lực. Do đó, để góp phần giảm bớt loại tội phạm cố ý gây thương tích, trước hết phải chặn đứng những trò chơi mang tính bạo lực trong giới trẻ. Ngoài ra, sự giáo dục, hỗ trợ của gia đình, nhà trường và các cấp chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những mầm mống nguy hại ban đầu, lực lượng công an chỉ là đối sách cuối cùng trong việc giải quyết các vụ việc.
Bà Trương Thị Thìn, cán bộ hội thẩm ở TP.Biên Hòa cho biết: "Do vấn đề tâm sinh lý nên mỗi khi gặp mâu thuẫn, thanh thiếu niên thường hỗ trợ nhau giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực để tạo thanh thế. Nếu các bậc phụ huynh không kịp thời quan tâm để giúp các em giải quyết mâu thuẫn theo hướng tích cực thì hậu quả gây ra rất khó lường". Theo bà Thìn, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng công an trong việc phát hiện và kịp thời ngăn chặn những mâu thuẫn, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Trần Danh