Báo Đồng Nai điện tử
En

CẢNH SÁT 113: Nhanh và nóng

07:05, 28/05/2011

“A lô! Cảnh sát 113 phải không...? Ở đây có nhiều người đang đánh nhau bằng dao, mã tấu ghê lắm...”- giọng một phụ nữ run rẩy và đứt quãng gọi đến tổng đài trực ban Đội Cảnh sát phản ứng nhanh (Đội 113), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh.

“A lô! Cảnh sát 113 phải không...? Ở đây có nhiều người đang đánh nhau bằng dao, mã tấu ghê lắm...”- giọng một phụ nữ run rẩy và đứt quãng gọi đến tổng đài trực ban Đội Cảnh sát phản ứng nhanh (Đội 113), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh.

Trong lúc hoảng loạn, người phụ nữ ấy chỉ nói được vỏn vẹn bấy nhiêu rồi cúp máy. Thế nhưng, bằng biện pháp nghiệp vụ, chiến sĩ trực ban Đội 113 đã xác định được vị trí của người báo tin. Trong nháy mắt, gần chục chiến sĩ Đội 113 đã lên xe ô tô và hai chiếc mô tô đặc chủng để trực chỉ đến nơi vừa có tin báo để trấn áp các đối tượng gây rối.

 

Cảnh sát 113 luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Trong ảnh: Chuẩn bị đi tuần tra, kiểm soát.  Ảnh: H.Thái

Sẵn sàng đến “điểm nóng”...

Chuyến đi của Đội 113 mà chúng tôi chứng kiến chỉ là một trong số hàng ngàn đợt ra quân của lực lượng này nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn và truy bắt các đối tượng vi phạm pháp luật, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Thượng tá Nguyễn Ngọc Lượng, Phó trưởng phòng PC64, cho biết: “Trung bình mỗi năm Đội 113 tiếp nhận khoảng 2.000 tin báo của dân về các hành vi vi phạm pháp luật, như: cướp tài sản, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng... Từ những nguồn tin ban đầu, Đội 113 đã bắt được nhiều đối tượng cướp, cướp giật tài sản, mua bán ma túy, sử dụng vũ khí trái phép... Ngoài ra, Đội 113 còn kịp thời ngăn chặn và giải tán nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn. Như vào đêm 19-4, tại quán bar TiTan (đường Dương Tử Giang, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), một số đối tượng vào quán uống bia nhưng có mang theo một khẩu súng quân dụng. Nhận được tin báo của dân, Đội 113 lập tức có mặt tại hiện trường, bắt được hai đối tượng Bùi Đức Ái (SN 1983, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) và Huỳnh Thị Cẩm (SN 1991, quê ở tỉnh Sóc Trăng), khi đôi nam nữ này vừa ra khỏi quán bar. Kiểm tra các đối tượng, Đội 113 phát hiện chiếc túi xách Cẩm đang đeo có chứa một khẩu súng ngắn quân dụng...

Cảnh sát 113 bắt cướp

Thượng úy Nguyễn Xuân Ngà, Đội phó Đội 113 nhớ lại, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5-2011, Đội 113 liên tục nhận được tin báo về việc xảy ra các vụ cướp giật tài sản của những người phụ nữ đi đường trên địa bàn TP.Biên Hòa. Lúc 17 giờ ngày 9-5, trên đường Huỳnh Văn Nghệ (thuộc KP2, phường Bửu Long), một phụ nữ đi xe máy bị hai thanh niên kè theo giật sợi dây chuyền 1,4 chỉ vàng. Khoảng 19 giờ ngày 12-5, trên đường Đồng Khởi (thuộc KP2, phường Tân Hiệp), một phụ nữ khác đi xe máy cũng bị bọn cướp giật sợi dây chuyền 1,2 chỉ vàng. Một giờ sau đó, cũng trên đường Đồng Khởi, một phụ nữ đi xe máy Attila cũng bị giật sợi dây chuyền...

Tin người dân bị cướp liên tục báo về Đội 113 khiến lãnh đạo PC64 và Ban chỉ huy Đội đứng ngồi không yên. Phân tích phương thức, thủ đoạn gây án của bọn cướp, Ban chỉ huy Đội 113 xác định những kẻ thực hiện các vụ cướp giật này cùng một băng nhóm. Do đó, một mẻ lưới của Đội 113 đã được giăng ra để đón lỏng bọn cướp.

Khoảng 20 giờ ngày 15-5, trên đường 30-4 (thuộc phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa), khi 2 thanh niên đi xe máy biển số 61Z4 - 5667 ép xe, định cướp sợi dây chuyền của một phụ nữ đi xe máy Attila thì các chiến sĩ 113 đã trờ tới tóm gọn chúng. Hai tên cướp Nguyễn Đình Thu (SN 1983, quê ở tỉnh Nghệ An) và Võ Xuân Lâm (SN 1987, quê ở tỉnh Hà Tĩnh) đang tạm trú ở tỉnh Bình Dương, thường tìm sang địa bàn Biên Hòa cướp giật tài sản. Tối 16-5, một đêm sau khi Thu và Lâm bị bắt, đến lượt 2 tên đồng bọn của chúng, gồm: Nguyễn Đình Tuấn (SN 1985, quê ở tỉnh Nghệ An), Nguyễn Văn Lâm (SN 1985, quê ở tỉnh Ninh Bình) cũng bị cảnh sát 113 bắt. Bước đầu, cả 4 đối tượng khai nhận cùng một băng nhóm và đã thực hiện hơn 20 vụ cướp giật trên địa bàn TP.Biên Hòa, gây tâm lý bất an cho người dân trong thời gian qua.

Cơ quan là nhà

Thượng tá Nguyễn Ngọc Lượng cho hay, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, trong ca trực của mình, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Đội 113 phải túc trực 24/24 giờ tại cơ quan. Sau mỗi ca trực, CBCS sẽ được nghỉ 24 giờ, nhưng vào những ngày lễ, hoặc khi đơn vị cần huy động lực lượng thì tất cả CBCS trong Đội đều phải có mặt. Đi làm vào ngày nghỉ, điều đó đã quen thuộc đối với CBCS ở Đội cảnh sát 113, vì hàng ngày xã hội có biết bao chuyện xảy ra và các anh không thể nghỉ ngơi khi nhiệm vụ đang cần. “Với cảnh sát 113, thời gian ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Chính vì thế, đã bước chân vào lực lượng thì mỗi CBCS đều xem cơ quan như là mái nhà thứ hai của mình” - Thượng úy Trần Hoàng Tuấn tâm sự.

Theo thượng tá Lượng, làm cảnh sát 113, có những đêm phải thức trắng để làm nhiệm vụ. “Công việc của cảnh sát 113 rất gian khổ và hiểm nguy, vì thế lãnh đạo phải thật sự thấu hiểu và kịp thời có sự động viên để anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”- đồng chí Lượng nói.

Tâm sự về những buồn vui trong nghề, Thượng úy Nguyễn Xuân Ngà, người có hơn 10 năm công tác ở Đội 113, cho biết: “Trong những chiến công của lực lượng công an nói chung và cảnh sát 113 nói riêng, chúng tôi luôn được người dân hết lòng giúp đỡ. Có những người dân khi phát hiện các đối tượng tội phạm đã không ngại nguy hiểm, vừa âm thầm bám bọn cướp vừa gọi điện báo công an. Gần đây, ngày càng có nhiều người dân tích cực tham gia, phối hợp với công an bắt cướp. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy phấn khởi, vì trong cuộc chiến chống tội phạm, đằng sau lực lượng công an có một hậu phương vững chắc là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân”.

Phạm Hoàng Thái

 

Tin xem nhiều