Báo Đồng Nai điện tử
En

Cung đường sắt "nóng" về tai nạn giao thông

10:06, 10/06/2011

Từ cuối năm 2010 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý là tai nạn chủ yếu ở cung đường từ ga Biên Hòa đến ga Trảng Bom.

Từ cuối năm 2010 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý là tai nạn chủ yếu ở cung đường từ ga Biên Hòa đến ga Trảng Bom.

 

* "Nóng" vì tai nạn

 

Ông Lê Đăng Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Biên Hòa cho biết, từ ga này đến ga kia gọi là một khu gian đường sắt. Đơn vị ông quản lý cung đường từ Biên Hòa đến An Lộc (ngang khu vực trụ sở Công ty cao su Đồng Nai, thuộc TX.Long Khánh), trong đó có các khu gian Biên Hòa - Hố Nai, Hố Nai - Trảng Bom với nhịp độ tai nạn xảy ra nhiều nhất.

 

Theo ghi nhận của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNGT đường sắt, làm chết 16 người. Trong đó tai nạn xảy ra thuộc đoạn đường sắt Biên Hòa - Trảng Bom chiếm đến 11vụ, làm chết 15 người (còn lại 1 vụ, chết 1 người thuộc địa bàn TX.Long Khánh). Riêng khu gian Hố Nai - Trảng Bom xảy ra 7 vụ, làm chết 9 người, chiếm "kỷ lục" về TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.

 

Việc họp chợ, buôn bán cạnh đường sắt đã che khuất tầm nhìn lái xe đường bộ, lái tàu đường sắt ở đường ngang xã Hố Nai 3 vào khu công nghiệp Hố Nai.

Ghi nhận của Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết, ngoài 1 vụ tai nạn có nguyên nhân do nhân viên đường sắt vi phạm quy định về tổ chức phòng vệ, hầu hết các vụ tai nạn còn lại đều do người lái xe hoặc người đi bộ vi phạm khi đi ngang đường sắt, người dân đi, đứng, nằm, ngồi, chơi đùa trên đường sắt. Đáng chú ý là tình trạng người lái xe thiếu chú ý quan sát khi đi qua đường ngang. Vụ tai nạn làm chết 3 người ở ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (thuộc khu gian Hố Nai - Trảng Bom) xảy ra ngày 7-6 là ví dụ. Anh Tiến, một người dân sống ở ngay kế bên đường sắt, cho biết anh đã chạy ra hô hoán để báo cho tài xế xe tải 54L-6698 biết xe lửa đang tới. Nhưng không hiểu sao tài xế xe tải vẫn cho xe băng qua đường ngang trong khi xe lửa lao tới, dẫn đến tai nạn thảm khốc làm chết 3 người, trong đó có chính tài xế này...

 

* Cách nào để giảm TNGT đường sắt?

 

Ông Lê Đăng Nghĩa cho biết, đáng lo ngại với vấn đề an toàn giao thông đường sắt là tình trạng mở đường ngang dân sinh (bất hợp pháp) qua hai khu gian đường sắt Biên Hòa - Hố Nai và Hố Nai - Trảng Bom đang ngày càng gia tăng. Do đó, việc kéo giảm TNGT đường sắt qua khu vực này khó thực hiện. Khi chúng tôi đặt vấn đề tăng cường thêm hệ thống cảnh báo tự động, có thêm chuông reo, đèn báo khi tàu lửa gần tới đường ngang thì ông Nghĩa cho biết, Đội của ông chỉ lo bảo vệ, tu bổ đường sắt. Còn việc lắp biển báo, cảnh báo tự động lại do Công ty Thông tin tín hiệu (một đơn vị khác) quản lý, thực hiện.

 

Qua tìm hiểu thực tế tại hai khu gian "nóng" về TNGT này, chúng tôi nhận thấy tình hình dân cư hai bên đường sắt phát triển khá nhanh, kéo theo đó tình trạng người dân tự ý mở đường ngang để đi lại. Như bên phải đường sắt (hướng Biên Hòa đi Long Khánh) là khu công nghiệp Hố Nai, người dân mở nhiều khu nhà trọ công nhân ở bên trái (khu dân cư). Các khu phát triển tiểu thủ công nghiệp ở hai xã Bắc Sơn, Bình Minh cũng làm cho nhu cầu băng ngang đường sắt của người dân tăng cao. Ông Đinh Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, ở khu vực vừa xảy ra tai nạn đường sắt nói trên là khu sản xuất ván lạng, gia công cơ khí, sản xuất phân bón... nên nhu cầu qua lại băng ngang đường sắt rất cao. Do vậy, với các đường ngang đã được ngành đường sắt đầu tư rất cần được cơ quan chức năng tăng cường thêm các biện pháp cảnh báo hữu hiệu khác để đảm bảo an toàn, ngoài việc chỉ đặt các biển báo.

 

Ngày 27-4-2011 Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị số 12, chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó có nội dung chỉ đạo UBND các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa có đường sắt đi qua phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt và cơ quan chức năng kiên quyết giải tỏa những công trình xây dựng trái phép vi phạm hành lang an toàn đường sắt, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu..., không để tình trạng dân tự mở lối đi vượt trái phép qua đường sắt... Nhưng qua thực tế quan sát ở hai khu gian đường sắt nói trên, chúng tôi nhận thấy tình hình vi phạm hành lang an toàn và đường ngang trái phép còn nhiều. Mong các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh hơn nữa tốc độ thực hiện chỉ thị số 12 của Chủ tịch UBND tỉnh, để hạn chế TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Thanh Toàn

 

 

 

Tin xem nhiều