Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai tiếp tay lâm tặc phá Vườn quốc gia Cát Tiên?

10:08, 17/08/2011

Với diện tích trên 70 ngàn hécta, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên được xác định là rừng đặc dụng Việt Nam, mang tính đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ.

Với diện tích trên 70 ngàn hécta, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên được xác định là rừng đặc dụng Việt Nam, mang tính đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ. Bên cạnh chức năng bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, VQG Cát Tiên còn có chức năng điều tiết nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn cho hồ Trị An, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái. Dù có chức năng và tầm quan trọng như vậy, nhưng VQG Cát Tiên đang phải từng ngày đối diện với sự xâm hại bởi bàn tay con người.

* Phá rừng mọi lúc, mọi nơi

Theo báo cáo của Ban giám đốc VQG Cát Tiên, tình hình khai thác rừng trái phép, phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, chống người thi hành công vụ thời gian gần đây diễn ra khá phức tạp, nhất là nạn khai thác gỗ quý và săn bắn các loại động vật hoang dã, quý hiếm. Đối tượng phá rừng thường liên kết thành những băng nhóm có tổ chức, hoạt động trong phạm vi rộng, có phân chia nhiệm vụ từ khâu phá rừng, khai thác lâm sản trái phép đến khâu tiêu thụ lâm sản… Các đối tượng cầm đầu các băng nhóm phá rừng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, như: tổ chức phá rừng vào ban đêm, vào ngày nghỉ, thuê mướn người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, sử dụng phương tiện thông tin hiện đại để theo dõi, né tránh sự kiểm soát, phát hiện của cơ quan chức năng. Trong trường hợp bị phát hiện, bọn lâm tặc tìm cách chống đối, huy động người tấn công vào trụ sở lực lượng kiểm lâm, đập phá tài sản để giải thoát cho đồng bọn.

Nguyễn Mạnh Hà (trái) và Nguyễn Văn Hải, hai đối tượng chủ chốt trong vụ án.
Nguyễn Mạnh Hà (trái) và Nguyễn Văn Hải, hai đối tượng chủ chốt trong vụ án.

Do gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình hình xâm hại VQG Cát Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo thống  kê của Ban quản lý VQG Cát Tiên, trong 2 năm 2009 và 2010, VQG Cát Tiên đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 844 vụ với 872 lượt người vi phạm, làm thiệt hại 245,8m3 gỗ, trong đó gỗ nhóm I gần 60m3. Trong số này có những vụ rất nghiêm trọng, như vụ 12 đối tượng cưa cây gõ đỏ có khối lượng hơn 22m3 tại khu vực xã Đắc Lua. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, tình hình vi phạm VQG Cát Tiên càng trở nên phức tạp, đối tượng vi phạm càng liều lĩnh, họ tổ chức thành nhóm từ 10-30 người, sử dụng cưa máy để chưa hạ và xẻ cây gỗ thành những hộp nhỏ để mang ra khỏi rừng. Trường hợp bị lực lượng kiểm lâm tuần tra phát hiện, họ sẵn sàng tấn công để giải thoát cho nhau và tẩu tán tang vật. Trước hành động liều lĩnh của bọn phá rừng, lực lượng kiểm lâm buộc phải rút lui hoặc bắn chỉ thiên nhiều  phát súng cảnh cáo mới ngăn chặn được hành vi hung hãn của bọn họ.

* Nhận diện các băng nhóm lâm tặc

Trước hành vi xâm hại rừng ngày càng nghiêm trọng cũng như sự manh động của bọn lâm tặc, Công an huyện Tân Phú đã vào cuộc điều tra và phát hiện, bắt giữ nhiều băng nhóm phá rừng. Trong 3 năm (2009-2011), Công an huyện đã khởi tố 6 vụ với 29 đối tượng, là những tên cộm cán, cầm đầu trong các băng nhóm tổ chức phá rừng. Trong đó có hai băng nhóm do Phạm Ngọc Dương (ngụ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú) và Nguyễn Mạnh Hà (ngụ ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) cầm đầu.

Theo hồ sơ trinh sát nắm được, Phạm Ngọc Dương từ địa phương khác đến xã Tà Lài tạm trú để hành nghề buôn bán gỗ. Sẵn nhiều tiền trong tay và quen nhiều mối lái nên mỗi khi có mối mua gỗ quý, Dương sai người xâm nhập vào VQG Cát Tiên săn tìm. Khi xác định được cây gỗ quý nằm ở khu vực nào của VQG Cát Tiên, Dương sẽ phân công cho tên đàn em thân cận Bùi Văn Tám thuê mướn thanh niên người dân tộc ở địa phương tổ chức cưa hạ, xẻ thành phách rồi đưa ra khỏi rừng. Tiếp đó, Dương giao nhiệm vụ cho Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) dùng ghe vận chuyển gỗ sang bên kia sông (thuộc tỉnh Lâm Đồng) để đưa đi tiêu thụ. Chính Dương đã tổ chức chỉ đạo đám đàn em cưa cắt 3 cây gỗ đỏ (có đường kính gốc từ 0,7-1,1m/cây) ở khu vực Bến Cự, cách trụ sở Kiểm lâm VQG Cát Tiên khoảng 1km, vào tháng 4-2010, gây thiệt hại trên 25m3.

Hiện trường nơi 2 cây gỗ đỏ bị băng nhóm của Hà chặt hạ.
Hiện trường nơi 2 cây gỗ đỏ bị băng nhóm của Hà chặt hạ.

Nếu băng nhóm của Dương sử dụng những thanh niên là người dân tộc ngụ tại địa phương để phá rừng, thì băng nhóm lâm tặc do Nguyễn Mạnh Hà cầm đầu cũng nguy hiểm không kém. Theo kết quả điều tra, băng nhóm của Hà có từ 12-15 đối tượng (đều ngụ ở huyện Đạ Tẻh), chuyên hoạt động phá rừng ở các khu vực thuộc địa phận huyện Đạ Tẻh và VQG Cát Tiên. Tuy cầm đầu nhóm lâm tặc cộm cán nhưng để bảo đảm làm ăn lâu dài, Hà tỏ ra khá kín đáo trong quan hệ. Nhiệm vụ chính của Hà là lo đối ngoại, móc nối người để tổ chức kế hoạch và triển khai các phương án phá rừng cho đồng bọn thực hiện. Dưới trướng của Hà có 2 đàn em thân tín Nguyễn Văn Hải và Hoàng Duy Thanh, đều ngụ ở huyện Đạ Tẻh. Trong từng phi vụ làm ăn, Hải được Hà giao nhiệm vụ cưa hạ và cắt gỗ ra thành phách, Thanh lo nhiệm vụ bám đường để tránh lực lượng kiểm lâm. Trong vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng” được Công an huyện Tân Phú phát hiện và khởi tố ngày 30-12-2010, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Mạnh Hà chính là kẻ chủ mưu trong việc đốn hạ 2 cây gỗ đỏ ở khu vực Đạ Mí (VQG Cát Tiên), gây thiệt hại 2 cây gỗ đỏ có khối lượng trên 15,7m3, trị giá vào thời điểm đó trên 170 triệu đồng.

 * Ai tiếp tay cho bọn phá rừng

Ngoài Nguyễn Mạnh Hà và hai đàn em thân tín Nguyễn Văn Hải, Hoàng Duy Thanh, quá trình điều tra vụ án, đầu tháng 3-2011, cơ quan điều tra đã khởi tố bổ sung và bắt giữ thêm 10 đối tượng (đều cư ngụ ở xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh), nâng tổng số đối tượng bị bắt giữ trong vụ án này lên đến 13 người. Khai thác Hà và đồng bọn, cơ quan điều tra đã phát hiện việc chặt hạ 2 cây gỗ đỏ ở khu vực Đạ Mí có liên quan đến Hồ Khắc Hiểu, nhân viên kiểm lâm trạm Bến Cầu, thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên.

Lời khai của Hà và đồng bọn cho biết, để thực hiện thành công việc cưa hạ cây gỗ trong rừng, Hà đã nhiều lần “đi đêm” với Hiểu, thông qua việc ăn nhậu hoặc chung chi tiền bạc cho Hiểu. Cứ mỗi chuyến “ăn hàng” thành công, Hà chung cho Hiểu khoảng 1 triệu đồng. Ngược lại, Hiểu có nhiệm vụ thông báo cho Hà quy luật hoạt động, giờ giấc, hướng đi tuần tra của lực lượng kiểm lâm để Hà và đồng bọn tìm cách tẩu tán tang vật hoặc rút lui ra khỏi rừng. Nhờ có sự “hợp tác” với Hiểu nên băng nhóm của Hà đã thực hiện thành công nhiều vụ phá rừng thuộc VQG Cát Tiên, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Qua nhiều chứng cứ xác định Hiểu có liên quan trong vụ án Nguyễn Mạnh Hà và đồng bọn phá rừng, Công an huyện Tân Phú đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Khắc Hiểu để điều tra theo quy định của pháp luật.

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều